Xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững

Nâng mức thu nhập bình quân của nông dân ngoại thành là một trong các tiêu chí quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đến năm 2020 của TP Hồ Chí Minh. Ðể đạt mục tiêu này, chuyển đổi phương thức sản xuất từ hộ cá thể sang các loại hình hợp tác như Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác có vai trò rất quan trọng.

So với giai đoạn 2011 - 2015, bộ tiêu chí xây dựng NTM của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 được nâng cao về chất lượng. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 63 triệu đồng/năm trở lên; thu nhập của hộ nghèo khu vực nông thôn tăng gấp 3,5 lần so với năm 2011.

Trồng trọt, chăn nuôi là nguồn kinh tế chủ yếu của nông dân các xã ngoại thành. Thành phố hiện có hơn 90 xã, phường, thị trấn sản xuất rau xanh với diện tích canh tác gần 3.500 ha, sản lượng bình quân khoảng 400 nghìn tấn/năm. Ðến nay, một số vùng trồng rau chuyên canh đã được thành lập ở các xã thuộc các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh…, nhưng nhìn chung quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ. Hơn 90% số hộ nông dân trồng rau có diện tích bình quân chỉ khoảng 0,56 ha, chưa tạo được vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với sản lượng lớn.

Về chăn nuôi, heo là loại gia súc nuôi chủ lực của nông dân với tổng đàn hơn 400 nghìn con. Tuy nhiên, nhìn chung quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ. Trong số hơn 7.600 hộ nuôi chỉ có 44 hộ nuôi từ 500 con heo trở lên; gần 2.600 hộ có quy mô đàn dưới 20 con... Ðây là một khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của nông dân.

Chuyển đổi phương thức từ hộ cá thể sang tổ hợp tác sản xuất hoặc HTX, nông dân được lợi nhiều, được ưu đãi khi mua giống, vật tư dưới dạng tập trung; được ưu tiên tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; được ưu tiên vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... Ngược lại, khi làm ăn nhỏ lẻ, hộ nông dân không thể quy hoạch diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp nhu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại theo đòi hỏi của thị trường dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm hoặc giá bán không cao, thu nhập không ổn định, ảnh hưởng cuộc sống.

Thành phố hiện có 72 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với hơn 4.400 thành viên, tập trung ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau an toàn; trồng trọt, chăn nuôi hỗn hợp; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng; dịch vụ nông nghiệp; kinh doanh tổng hợp... Riêng trong năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã hỗ trợ thành lập mới 18 HTX và tổ chức lại theo Luật HTX. Các HTX nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (riêng trong năm 2016, giá trị sản xuất nông nghiệp của các HTX đạt 327 tỷ đồng); giải quyết việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo; cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thành phố; đầu mối tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật; cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên, hộ nông dân với giá và chất lượng tốt hơn.

Vai trò của HTX đã được chứng minh trong quá trình xây dựng NTM. Tuyên truyền, vận động để nông dân tự nguyện tham gia HTX và các mô hình sản xuất tập thể đang đòi hỏi sự quan tâm của Ðảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở các huyện, xã nông thôn ngoại thành để vừa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vừa góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, nâng cao đời sống của nông dân theo hướng bền vững.

Theo: Nguyễn Vi/nhandan.com.vn