Xây dựng nông thôn mới “tràn đầy khí thế”

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, cả hai chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đều bước vào thời kỳ “tràn đầy khí thế”.

Những thay đổi lớn lao

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường có lẽ là người theo sát nhất chương trình xây dựng nông thôn mới. Là ngành gắn chặt với sự phát triển của khu vực nông thôn, những “trợ lực tổng thể” từ chương trình này không chỉ làm đổi thay đời sống mà còn tạo bước đà cho chuyển biến kinh tế - xã hội của khu vực này.

Theo ông, dấu ấn rất đậm của năm 2016 trong xây dựng nông thôn mới chính là sự “bùng nổ” thành quả mới, với sự chung lòng chung sức từ Chính phủ đến các địa phương và cả hệ thống chính trị. Chưa bao giờ trào lưu quan tâm đến nông nghiệp, đến người nghèo cao như hiện nay.

Các địa phương huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới

Các thống kê trên thực tế cũng chỉ ra kết quả xây dựng nông thôn mới là đáng ghi nhận. Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong năm 2016, tổng nguồn lực huy động được cho chương trình đạt khoảng 228.398 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp một con số khá khiêm tốn là 7.374 tỷ đồng (3,2%), ngân sách địa phương hỗ trợ trực tiếp 28.152 tỷ đồng (12,3%) và lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 23.889 tỷ đồng (10,4%). Trong khi, tín dụng là 136.693 tỷ đồng (chiếm 59,7%), từ DN là 13.542 tỷ đồng (5,9%), cộng đồng dân cư và nguồn khác là 19.504 tỷ đồng (8,5%)…

Chính nhờ đó, cả nước đã có thêm 15 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2015; thêm 828 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9,2% so với cuối năm 2015.

Đến hết năm 2016, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có xã đạt chuẩn nông thôn mới, cả nước có 2.358 xã (26,43%) đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 1,43% so với mục tiêu năm 2016 của Ban Chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đặt ra.

Đáng chú ý, xử lý nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới cũng có bước chuyển đáng ghi nhận. Đối với các huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có 14 huyện không còn nợ, 4 huyện đã xử lý xong nợ ngay sau khi công bố đạt chuẩn, huyện Hưng Hà (Thái Bình) giảm từ 92 tỷ đồng nợ xuống còn 8 tỷ đồng; Yên Định (Thanh Hóa) giảm từ 72 tỷ đồng xuống còn 48,2 tỷ đồng…

Theo tổng hợp nhanh của 25 địa phương có số nợ lớn (trên 100 tỷ đồng vào thời điểm 31/1/2016 thì đến nay đã có 17/25 tỉnh đã giảm được số nợ với tổng mức giảm là 5.624 tỷ đồng, chiếm 36,8%. Tổng số nợ còn lại đến tháng 12/2016 khoảng 9.654 tỷ đồng (so với mức 15.277 tỷ đồng vào 31/1/2016).Thành quả đáng kể trên dường như đang thu hút sự tham gia, nỗ lực hơn nữa của các địa phương, DN và người dân…

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, cả hai chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đều bước vào thời kỳ “tràn đầy khí thế”. Như với nông thôn mới, chỉ tính riêng về nâng cao đời sống tinh thần cho dân, đã đạt được những kết quả trước nay chưa từng có.

Nhờ khí thế này mà ở nhiều địa phương, như Hải Hậu (Nam Định) hiện nay có gần 200 đội kèn đồng được thành lập. Ở Thái Bình, các chiếu đào được tái hồi trở lại. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, những mô hình và những hội đờn ca tài tử được thành lập ngày càng nhiều. Những lễ hội văn hóa lành mạnh như tam giác mạch được hình thành và phát triển…

Gắn với cơ cấu lại sản xuất

Bước sang năm 2017, mặc dù tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn và thách thức, song Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 vẫn đặt mục tiêu cả nước có khoảng 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng khoảng 4% so với năm 2016); có 35-38 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng từ 5-8 đơn vị so với năm 2016); số tiêu chí bình quân/xã cả nước tăng thêm 1 tiêu chí/xã so với năm 2016; tỷ lệ số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn khoảng 20%, giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống 150 xã…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế để thực hiện được mục tiêu trên còn những rào cản bởi không ít địa phương vẫn còn lúng túng trong kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tổ chức triển khai; thiếu tính chủ động, quyết liệt; và trông chờ vào hướng dẫn ở Trung ương. Cơ chế huy động nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn vốn đầu tư của các DN, chưa có sự đột phá so với giai đoạn trước…

Chia sẻ quan ngại trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc thực hiện đã đi vào chiều sâu nhưng nếu không bền bỉ, kiên trì với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao thì thì rất dễ bị chùng xuống. Nhất là khi các mục tiêu đề ra cho năm 2017 là không dễ.

Cùng nhận định trên, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm trong 2017 là triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp".

Theo đó, các địa phương, trên cơ sở các hướng dẫn của Trung ương trong giai đoạn 2016-2020, cần chủ động cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách hướng dẫn của địa phương để thực hiện Chương trình; tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.

Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 ở các cấp,  tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới...

Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới và khẩn trương hoàn thiện Chương trình “Hỗ trợ thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020” từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB)…