Xây dựng nông thôn mới trên những vùng đất khó

Xây dựng nông thôn mới trên những vùng đất khó
Nghệ An hiện có thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa và 152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 35% tổng số xã toàn tỉnh và đứng thứ tư toàn quốc về xây dựng nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu, đến cuối năm nay, có thêm 20 xã và huyện Nam Đàn về đích nông thôn mới. Trong đó, có cả những xã thuộc diện 30a và vùng bãi ngang ven biển.

Mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương, Nghệ An).

 

Xã nghèo cán đích nông thôn mới

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho biết, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An nhận thức rõ, xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ tập trung đầu tư cho các xã vùng đồng bằng, mà còn quan tâm hỗ trợ xây dựng cho những vùng khó khăn, trong đó có các xã đặc biệt khó khăn thuộc diện 30a và vùng bãi ngang ven biển. Do đó, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Trung ương cho các xã đặc biệt khó khăn gấp bốn lần so với các xã bình thường, tỉnh Nghệ An còn hỗ trợ xi-măng làm 8 km đường giao thông cho các xã đăng ký đạt chuẩn thuộc sáu huyện miền núi: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và thưởng một công trình phúc lợi trị giá 550 triệu đồng cho một xã về đích NTM.

Ngoài ra, một số huyện còn hỗ trợ xi-măng, máy trộn bê-tông, từ 10 đến 50 triệu đồng cho công trình dở dang... Nhờ vậy năm 2015, Thạch Giám là xã 30a đầu tiên của huyện miền núi rẻo cao Tương Dương đã về đích NTM. Đến năm 2016, thêm xã Tam Thái đạt chuẩn NTM. Trên đà thắng lợi, huyện Tương Dương tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ xã Tam Quang về đích NTM vào cuối năm nay.

Về xã Tam Thái những ngày đầu tháng 7 này, thay vì phải đi qua con đường đầy bùn lầy, nước đọng ngày nào, là những con đường được bê-tông hóa, từ những tuyến trục chính vào các bản Canh, Na Tổng, Tân Hợp, Cánh Tráp... đến từng đường ngang, ngõ xóm. Sự chung sức của cộng đồng, doanh nghiệp và các nguồn hỗ trợ khác đã giúp 108 hộ nghèo xây nhà mới, với tổng số tiền 2,43 tỷ đồng. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Thái Lô Vĩnh Tình, điều quan trọng nhất là người dân đã chuyển dần sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật thông qua các chương trình tập huấn theo kiểu cầm tay, chỉ việc, hỗ trợ cây, con giống, xây dựng các mô hình sản xuất.

Đến nay, Tam Thái đã triển khai thành công mô hình 2 ha rau an toàn tại bản Na Tổng, với 14 hộ tham gia cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/hộ/năm; chuyển đổi 4 ha đất màu kém hiệu quả sang trồng chuối tiêu hồng; thành lập hợp tác xã nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Khe Bố với sự tham gia của 23 hộ, nuôi 51 lồng bè; khai thác hiệu quả 96 ha ruộng lúa nước bằng giống năng suất, chất lượng và hàng trăm hộ tham gia trồng rừng, phát triển trang trại gắn với chăn nuôi gia súc... Thu nhập bình quân của người dân xã Tam Thái đã tăng lên đáng kể, hiện đạt 21 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo nay chỉ còn 9,7%...

Đến xã Tam Quang, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Hồ Viết Sơn cho biết: Từ chỗ mới đạt ba tiêu chí NTM, đến cuối năm 2016, xã đã đạt 15 tiêu chí. Được sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, địa phương đang tập trung hoàn thành các tiêu chí còn lại, nhất là tiêu chí hộ nghèo, nhà ở dân cư, môi trường để phấn đấu về đích NTM vào cuối năm nay. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện cùng với địa phương phân công cán bộ, đảng viên, các đơn vị và trường học đóng góp, chịu trách nhiệm kèm từng hộ dân cách thức làm ăn để thoát nghèo. Thông qua nguồn tài trợ, hỗ trợ 5 đến 10 triệu đồng/hộ nghèo bằng hiện vật cây, con giống (bò, lợn, cây keo giống...). Xã ưu tiên lồng ghép các Chương trình 135, dự án trồng rừng... để người dân phát triển sản xuất.

Ba bản vùng sâu, gồm: Tân Hương, Tùng Hương, Liên Hương tuy kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng đang mở ra hướng làm ăn mới và giải quyết việc làm cho nhiều người, khi được chia 1.800 ha rừng để trồng keo, sản xuất kinh tế, từ nguồn chuyển đổi rừng phòng hộ. Ngoài 100 hộ kinh doanh tổng hợp dọc quốc lộ 7 và ngã ba Khe Bố, xã Tam Quang còn xuất hiện hàng chục hộ làm trang trại nông lâm, chăn nuôi cho thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm.

Như mô hình của ông Tống Văn Chiến ở bản Bãi Sở, trồng 400 gốc thanh long, nuôi 20 con lợn rừng, năm con bò; mô hình cải tạo vườn cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của gia đình ông Lê Đăng Dần... Các mô hình kinh tế này đang đỡ đầu cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số về cây, con giống và kỹ thuật để nhân rộng ra nhiều bản. Đồng hành với Tam Quang, huyện đã kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp kết hợp các nguồn vốn khác, xóa 128 nhà tranh tre dột nát còn lại, trích ngân sách hỗ trợ xi-măng xây dựng hố xử lý rác thải cho 12 bản và các hộ dân...

Học tập Tương Dương, các huyện miền núi Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông... cũng đang nỗ lực chỉ đạo các xã hoàn thành những tiêu chí quan trọng để sớm về đích NTM. Nhiều huyện đã nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, như trồng chanh leo xuất khẩu, trồng cam, chăn nuôi trâu bò hàng hóa, trồng rừng, trang trại, thủy sản… tăng thu nhập cho nông dân. Nghệ An cũng đề ra giải pháp, trong điều kiện còn khó khăn, thì phải xây dựng cho được các bản NTM, dần tiến tới cả xã đạt NTM.

Đường quê Diễn Hùng (Diễn Châu) hôm nay.

Không chỉ các xã nghèo miền núi đổi thay nhờ xây dựng NTM, mà nhiều xã vùng bãi ngang ven biển như: Quỳnh Lương, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu); Nghi Xuân, Nghi Thái, Phúc Thọ (Nghi Lộc); Diễn Thành, Diễn Thịnh (Diễn Châu); Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) cũng đã về đích NTM. Ở Diễn Hùng (Diễn Châu) thời điểm này, toàn xã như một công trường xây dựng; trường tiểu học đang được nâng cấp, nhiều tuyến đường đổ bê-tông...

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đào cho biết: Tuy là vùng bãi ngang, không có cửa lạch, cho nên không thể đóng tàu to vươn khơi, nhưng lao động của Diễn Hùng lại là những ngư dân giỏi trên các tàu đánh bắt xa bờ của những địa phương khác. Ngoài ra, người dân Diễn Hùng còn lập các đội thợ xây lành nghề, làm dịch vụ hoặc đi xuất khẩu lao động, cho nên kinh tế của xã ngày một khá lên. Đến hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở Diễn Hùng chỉ còn 4,11%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,6 triệu đồng/người/năm và chính thức ra khỏi danh sách hưởng chế độ bãi ngang của Chính phủ. Đây là tiền đề để Diễn Hùng về đích NTM vào cuối năm nay.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Trong 5 năm (2011 - 2016), Nghệ An đã huy động tổng vốn xây dựng NTM đạt 24.600 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 7.288 tỷ đồng (chiếm gần 30%), gồm: tiền 5.122,7 tỷ đồng; hiến đất 5.760 nghìn m2 (tương ứng 1.686 tỷ đồng), 4.605 nghìn ngày công (480 tỷ đồng); vốn doanh nghiệp chiếm 9%... Ngoài ra, có một phần vốn không tập trung hỗ trợ các xã nghèo và xã vùng bãi ngang ven biển. Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với Nghệ An là tại hơn 90 xã thuộc diện 30a ở các huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 50%; địa hình phức tạp, nguy cơ tái nghèo cao, khó có thể huy động sức dân xây dựng NTM. Các bản lại xa trung tâm, nằm rải rác ở vùng núi cao, việc làm đường quy chuẩn đến các bản gặp khó. Hơn nữa, các địa phương ở dọc quốc lộ 7, quốc lộ 46 gần trung tâm, có điều kiện xây dựng NTM thì cán bộ và người dân có tư tưởng “ngại” về đích NTM, vì khi đó sẽ bị cắt hết các khoản hỗ trợ từ Chính phủ cho xã 30a.

Trong số 36 xã ven biển và cửa lạch của Nghệ An, cũng có 12 xã được hưởng chính sách vùng bãi ngang của Chính phủ. Đến nay, 11 xã ven biển đã về đích NTM. Tuy nhiên, các xã này đang gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp, nguồn lực địa phương hạn hẹp, rất cần sự hỗ trợ trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, các xã vùng bãi ngang ven biển đất chật người đông, việc xây dựng các công trình giao thông, nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao, hệ thống thoát nước, xử lý rác thải... rất khó thực hiện theo bộ tiêu chí, nhất là tiêu chí giao thông.

Như xã ven biển Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), dù có mức thu nhập bình quân khoảng 37 triệu đồng/người/năm, cao so với bình quân chung của tỉnh, vẫn được xếp vào danh sách khó về đích NTM, do quỹ đất ở quá chật hẹp (mật độ 4 đến 5 m2/người) nhà ở sát nhau, đường nội thôn chỉ rộng từ 1 đến 2 m, đường liên xóm 3 đến 3,5 m. Hay xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) chỉ có thể hoàn thành 60% tiêu chí đường giao thông, bởi đường liên thôn nhỏ hẹp từ 1 đến 2 m, nhiều đoạn, hai xe máy đi ngược chiều cũng khó tránh nhau. Tương tự, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), do quá chật hẹp, gần một nửa đường liên xóm chỉ có thể đi bằng xe máy hoặc đi bộ.

Với kinh nghiệm của huyện đầu tiên ở Nghệ An và trên cả nước có xã nghèo 30a đạt chuẩn NTM, Bí thư Huyện ủy Tương Dương Phạm Trọng Hoàng đề xuất: Đối với các xã 30a về đích NTM, Chính phủ cần tiếp tục duy trì việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và thẻ bảo hiểm y tế cùng một số chính sách hỗ trợ xã hội. Đồng thời có kế hoạch điều chỉnh các tiêu chí để phù hợp hơn với điều kiện thực tế từng vùng. Có như vậy các địa phương mới vượt mọi khó khăn, thách thức, yên tâm phấn đấu xây dựng NTM.

Theo: Thành Châu/nhandan.com.vn