Xây dựng nông thôn mới trên quê hương Pác Bó

Xây dựng nông thôn mới trên quê hương Pác Bó
Cao Bằng là địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đời sống của bà con đồng bào còn tương đối thấp, nông nghiệp vẫn là ngành chủ đạo trong nền kinh tế, công nghiệp nơi đây mới chỉ trên đà phát triển, vì vậy việc chọn ngành nghề phù hợp với tình hình thực tế để đào tạo, định hướng cho người lao động là rất quan trọng, nó có ý nghĩa chiến lược, tạo đà cho địa phương khởi sắc. Và xây dựng nông thôn mới nơi đây gắn kết chặt chẽ với đào tạo nghề, và giải quyết việc làm cho người lao động.
 
 
 
Xây dựng nông thôn mới ở Cao Bằng gắn với đào tạo nghề,
giải quyết việc làm cho người lao động
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Minh Trần, GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cao Bằng cho biết: Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là tiêu chí quan trọng để giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững, đồng thời xem đây là bước đi quan trọng, gắn liền với việc xây dựng nông thôn mới. Vì vậy trong năm 2012, tỉnh Cao Bằng đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác đào tạo nghề tới từng địa phương, đặc biệt là các huyện nghèo thuộc diện 30a.
 
Những năm qua, thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm Sở LĐ-TB&XH Cao Bằng đã phối hợp, chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, bổ sung nhu cầu học nghề, tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời căn cứ vào điều kiện, thế mạnh cụ thể của từng địa phương để phân loại, tư vấn cho người lao động chọn ngành nghề phù hợp, đảm bảo cho học viên sau khi ra nghề đều tìm được việc làm và có thu nhập ổn định. Qua sơ kết 6 tháng đầu năm 2012, Cao Bằng đã giải quyết việc làm cho 4.560 lao động, trong đó thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm cho 988 lao động. Đào tạo nghề trung cấp cho trên 1.000 lao động, sơ cấp dưới 3 tháng là 863 người. Tập trung các nghề thí điểm như trồng quýt ở xã Kim Đồng (huyện Thạch An), triển khai đào tạo các nghề sơ cấp gắn với dạy nghề đại trà để phục vụ việc làm tại chỗ như: nghề trồng nấm rơm, sản xuất phân vi sinh, nghề mộc, thợ nề… Tuy nhiên hạn chế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay là các Cty, doanh nghiệp lớn còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất manh mún. Vì vậy, để nâng tính hiệu quả trong công tác đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH đã kết hợp với các Cty, doanh nghiệp ngoài tỉnh như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… tìm đầu ra cho người lao động, đảm bảo người lao động tìm được việc làm sau khi học xong. Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số các huyện vùng biên giới, tỉnh cũng đã tập trung dạy nghề và tạo việc làm phù hợp cho người dân, tránh tình trạng đi lao động trái phép tại Trung Quốc. Đồng thời tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu việc làm, xuất khẩu lao động và nhu cầu việc làm sau xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo, và đã tuyển chọn được 71 lao động của 4 huyện nghèo là Thông Nông, Hạ Lang, Hà Quảng, Bảo Lâm, tham gia lớp đào tạo tiếng Hàn Quốc do Cục quản lý lao động ngoài nước tổ chức. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đưa được gần 160 lao động đi xuất khẩu tại các thị trường Hàn Quốc, Malaixia, Đài Loan...
Kim Chiến
Theo Báo Đại đoàn kết