Những ngày này về lại xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước), chúng tôi cảm nhận làng quê nơi đây thật yên bình. Hàng chè tàu phía trước Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn xanh tươi như thuở trước. Tiên Cảnh không chỉ có phong cảnh hữu tình, giàu truyền thống cách mạng mà còn nhanh chóng vượt qua khó khăn; có nhiều cách làm hay trong việc gắn phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT) và du lịch sinh thái với xây dựng nông thôn mới (NTM). Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước về xây dựng NTM, năm 2015, xã thành lập Câu lạc bộ “Nhà sạch, ngõ đẹp, kinh tế gia đình ổn định”. Câu lạc bộ ra đời đã thu hút được 20 thành viên ở xóm Bàu (làng Thạnh Bình, thôn 2) tham gia và có những việc làm thiết thực.
Anh Đào Minh Chỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, qua hơn một năm hoạt động, Câu lạc bộ “Nhà sạch, ngõ đẹp, kinh tế gia đình ổn định” xã Tiên Cảnh đã đạt được những kết quả nhất định. Điều dễ nhận thấy là “tình làng, nghĩa xóm” được khơi dậy. Các thành viên trong câu lạc bộ không chỉ chia sẻ kinh nghiệm trong việc chất bờ đá, trồng chè tàu; sửa sang, bố trí lại nhà ở sạch sẽ, khang trang mà còn giúp nhau trồng tiêu, lòn bon, thanh trà, phát triển KTV và chăn nuôi gia súc. Bây giờ, ở xóm Bàu không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo; số hộ có thu nhập cao tăng nhanh. Nhiều gia đình như ông: Trần Văn Diệu, Lê Trường Phiên, Đào Minh Chỉnh… mỗi năm thu hơn 40 triệu đồng từ KTV.
Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh Lê Trường Hiền bộc bạch: Năm 2011, Tiên Cảnh là một trong ba xã được huyện Tiên Phước chọn làm mô hình điểm xây dựng NTM. Trong quá trình xây dựng NTM, xã luôn vận động bà con gắn việc phát triển KTV, KTTT với du lịch sinh thái làng quê. Trước mắt, tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch vốn có tại địa phương như: Làng cổ Lộc Yên, di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng... Qua 4 năm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất, đời sống người dân trên địa bàn xã đã nâng lên rõ rệt. Số hộ có thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm từ KTV mỗi năm một tăng. Điển hình, có hộ anh Đặng Văn Hùng (ở thôn 4) mới ngoài 30 tuổi đã “nắm trong tay” 5 ha dó bầu (khoảng hơn 5 nghìn cây) và hai cơ sở sản xuất trầm hương. Anh nhẩm tính, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng nghìn sản phẩm từ trầm, với doanh thu hàng tỷ đồng và thu về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.
Không chỉ riêng ở xã Tiên Cảnh, thời gian qua, phong trào xây dựng NTM ở huyện Tiên Phước được đông đảo nhân dân ở 14 xã trong huyện hưởng ứng tích cực. Tại xã Tiên Sơn, dù điều kiện tự nhiên, đất đai không thuận lợi như nhiều xã khác, nhưng đã có những bước đi mạnh mẽ trong phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM. Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn Nguyễn Thị Hoa cho biết: Sau khi tuyến đường từ vùng căn cứ cách mạng Sơn - Cẩm - Hà được đầu tư nâng cấp, nối liền với thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) và các huyện đồng bằng, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với trồng rừng, xã Tiên Sơn còn khuyến khích người dân đầu tư mở các cơ sở may mặc, gia công gỗ và phát triển dịch vụ vận tải. Thu nhập bình quân trong xã đạt hơn 23 triệu đồng/người/năm, tăng gấp ba lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5%.
Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Hường Văn Minh cho biết, thời gian qua, Tiên Phước đã làm tốt công tác quy hoạch, phân định ba loại rừng; đồng thời ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển KTV, KTTT và phát triển chăn nuôi. Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, trong giai đoạn 2011-2015, nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện lên đến 2.540 tỷ đồng; trong đó, vốn nhân dân đầu tư khoảng 1.080 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất tập trung hơn 3.620 ha để trồng các loại cây đặc sản như: tiêu Tiên Phước, thanh trà, lòn bon… trong hai năm qua, huyện đã hỗ trợ trực tiếp 5,3 tỷ đồng và vận động nhân dân bỏ ra khoảng 45 tỷ đồng để phát triển KTV. Đặc biệt là địa phương đã phục tráng thành công cây tiêu Tiên Phước. Đến nay, từ 10 ha tiêu phục tráng từ năm 2010, huyện đã mở rộng diện tích trồng cây tiêu Tiên Phước lên hơn 70 ha; trong đó, có hơn 120 hộ trồng từ 100 đến 500 chói tiêu. Hiện đã có khoảng 30 ha cho thu hoạch và đã có nhiều hộ có thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm từ trồng tiêu. Ngoài cây tiêu, huyện Tiên Phước còn trồng 180 ha thanh trà, gần 300 ha lòn bon, 900 ha chuối và nhiều loại cây ăn quả có giá trị cao như: măng cụt, sầu riêng, cam, bưởi… cho thu nhập mỗi năm khoảng 120 tỷ đồng. Được biết, năm 2015, huyện Tiên Phước đã được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép xây dựng KTV, KTTT trọng điểm, xây dựng huyện Tiên Phước thành vùng đặc trưng của trung du xứ Quảng.
Tiên Phước là một trong những địa phương ở Quảng Nam đã thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững. Số hộ làm ăn có quy mô lớn, đạt hiệu quả cao từ KTV, KTTT xuất hiện ngày một nhiều. Đây là cơ hội lớn để địa phương giải quyết tốt việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; đồng thời thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM và tái cấu trúc ngành nông nghiệp nhằm góp phần xây dựng quê hương Tiên Phước ngày càng giàu đẹp, văn minh…