Xây dựng thương hiệu gạo Việt: Nâng cao giá trị xuất khẩu
- Thứ tư - 07/12/2016 09:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xuất khẩu gạo tiếp tục suy giảm
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lượng gạo XK tháng 11 ước đạt 353 nghìn tấn với giá trị đạt 156 triệu USD; tính chung 11 tháng, ước đạt 4,54 triệu tấn và 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, giá gạo XK bình quân đã tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 450 USD/tấn.
Về thị trường, một số thị trường lớn của gạo Việt vẫn có sự tăng trưởng mạnh. Trong 10 tháng, Ghana đã trở thành thị trường lớn thứ hai của gạo Việt Nam. XK gạo sang thị trường này đạt 442,2 nghìn tấn, tương đương 217,1 triệu USD, tăng 38,6% về khối lượng và 33,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Indonesia – thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 với 7,6% thị phần cũng có sự tăng trưởng khá cao, đạt 359,6 nghìn tấn và 142,5 triệu USD, tăng 53% về khối lượng và 53,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt với 36% thị phần nhưng XK gạo sang quốc gia này đang giảm cả về lượng và giá trị. 10 tháng đầu năm, XK gạo sang Trung Quốc đạt 1,51 triệu tấn và 678,7 triệu USD, giảm 22,5% về khối lượng và giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều thị trường khác cũng có sự suy giảm đáng kể như Hoa Kỳ, Philippines…
Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia là giải pháp quan trọng nâng cao giá trị hạt gạo Việt |
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) XK gạo trong nước không đạt kế hoạch kinh doanh do thị trường lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng ảm đạm, cung lớn hơn cầu. Hiện hạn ngạch nhập khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã hết. Nhu cầu của thị trường Philippines – một trong những thị trường lớn nhất của gạo Việt cũng không cao, thiếu các hợp đồng tập trung nên lượng và kim ngạch XK gạo vào thị trường này chưa đạt như kỳ vọng.
Khẩn trương xây dựng thương hiệu
Thực hiện Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đang khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực lúa gạo. Đây được đánh giá là giải pháp quan trọng giúp nâng cao giá trị hạt gạo. Hiện, Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực lúa gạo đã được xây dựng và đang gửi các cơ quan chức năng để xin ý kiến góp ý.
Theo đó, sẽ có 3 bộ tiêu chuẩn Việt Nam cho gạo thơm trắng, gạo trắng và quy phạm thực hành đối với xay xát gạo. Ngoài yêu cầu về kỹ thuật, trong nội dung yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với gạo thơm trắng và gạo trắng đều quy định mức giới hạn tối đa các loại phụ gia, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; giới hạn tối đa ô nhiễm kim loại nặng, nhiễm độc tố vi nấm...
Ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) - chia sẻ, việc xây dựng thương hiệu gạo đang được triển khai cẩn thận, đây là lĩnh vực mới, còn nhiều quan điểm bất đồng, chưa thống nhất. Thương hiệu không chỉ là đơn giản dừng ở việc xây dựng tiêu chuẩn, thiết kế logo, hình ảnh, mà còn là cả quá trình chuyển biến từ khâu sản xuất tới thương mại, XK.
Do đó, điểm cốt lõi để xây dựng thương hiệu gạo là phải thay đổi quan điểm sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng. Muốn làm được điều này, DN phải đóng vai trò chủ đạo. Cụ thể, sau khi tìm hiểu thị trường, nhu cầu người tiêu dùng, DN sẽ đặt hàng cho người nông dân sản xuất theo yêu cầu từ giống tới tiêu chí canh tác, chăm sóc, thu hái và bảo quản... sau đó mới xây dựng thương hiệu dựa trên loại gạo thị trường có nhu cầu lớn.
Các cơ quan chức năng đang phối hợp xây dựng logo cho thương hiệu gạo quốc gia. Sau khi có bộ tiêu chuẩn gạo, DN nào đạt tiêu chuẩn sẽ được gắn nhãn, mác, logo thương hiệu gạo quốc gia, được bảo hộ trong và ngoài nước. |