Xây dựng thương hiệu quốc gia của địa phương gắn với sản phẩm du lịch
- Thứ hai - 18/07/2016 11:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Thịnh cho biết, các địa phương có rất nhiều tiềm năng, nhưng chỉ mới khai thác ở dạng thô, tức là khai thác những cái sẵn có, chứ chưa đầu tư nhiều vào những tiềm năng này.
“Mỗi chuyến đi du lịch, tôi khá vất vả khi tìm kiếm thông tin trên mạng. Danh sách nhà nghỉ ở Hà Giang chẳng hạn, toàn là số cố định mà khi gọi thì không có ai nghe máy. Giới thiệu món ăn cũng chỉ quanh đi quẩn lại những thứ nhàm chán, như là xúc xích nướng, thịt hun khói... Như vậy làm sao quảng bá được, làm sao hấp dẫn khách đến được?”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, chưa bàn đến việc xây dựng thương hiệu trên trường quốc tế, việc dễ làm nhất mà chúng ta có thể làm ngay lúc này là giới thiệu các sản phẩm địa phương gắn với điểm đến du lịch của Việt Nam.
“Trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm đặc sắc của các địa phương. Việc gắn kết du lịch với sản phẩm địa phương sẽ giúp thương hiệu sản phẩm được biết đến nhanh hơn khi khách du lịch đến trải nghiệm, tiếp xúc với nhiều “tài nguyên” của Việt Nam.
Ngoài ra, cần phải khai thác được những chỉ dẫn địa lý, gắn liền sản phẩm với từng địa phương, để Lục Ngạn thành thương hiệu cho quả vải, để Cao Phong trở thành thương hiệu cho những trái cam”, ông Thịnh nói.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng khi hội nhập ngày càng sâu rộng, thì mức độ cạnh tranh giữa các sản phẩm trở lên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, có thương hiệu đã khó, việc giữ gìn và bảo vệ thương hiệu lại càng khó hơn. Đặc biệt với sản phẩm nông nghiệp, không giống như sản phẩm công nghiệp, quá trình sản xuất ảnh hưởng rất nhiều rủi ro bởi thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, giống và các yêu tố đầu vào khác cũng như chăm sóc… trong đó, sản phẩm nhãn nói chung, nhãn lồng Hưng Yên nói riêng cũng trong tình trạng đó.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhận định, quá trình hội nhập và phát triển của đất nước đã minh chứng rằng, một trong những yếu tố để hội nhập thành công là phải xây dựng và phát triển sức cạnh tranh tổng thể của quốc gia, trong đó có thương hiệu các vùng miền có tiềm năng, thế mạnh. Do đó, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vừa cấp thiết trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực về nhiều mặt và của các ngành, các địa phương.
TheoPhan Trang/baochinhphu.vn