Xây dựng thương hiệu trái cây Nhà vườn liên kết với doanh nghiệp mới ra trò
- Chủ nhật - 29/07/2012 01:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo cục Bảo vệ thực vật, đến giữa năm 2012, Việt Nam có ba loại trái cây, gồm thanh long, chôm chôm và xoài đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường khó tính là Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand.
Chôm chôm là một trong số ít trái cây Việt Nam xuất khẩu được sang Mỹ. Ảnh: Nguyệt Hồng |
Rời rạc, thiếu liên kết
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, giám đốc công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (huyện chợ Lách, Bến Tre), một trong những doanh nghiệp đang cung cấp chôm chôm cho một số đầu mối xuất khẩu vào Mỹ quả quyết rằng, để lấy được giấy thông hành, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều công sức, tiền bạc.
Theo bà Thu, đầu tiên, doanh nghiệp phải chọn ra vùng chôm chôm tập trung, rồi thông qua hợp tác xã để làm việc với tất cả hộ nông dân trong vùng nhằm sản xuất theo quy trình Global Gap. Có quy trình sản xuất sạch, cơ quan kiểm dịch thực vật Hoa Kỳ mới cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, và sau đó chôm chôm phải được chiếu xạ để đảm bảo an toàn dịch bệnh trước khi xuất vào Mỹ.
Với cách làm của Chánh Thu, chôm chôm Việt Nam có xuất xứ nguồn gốc, tên tuổi rõ ràng trong mắt người dùng Mỹ, giá xuất khẩu trung bình khoảng 9 – 10 USD/kg, cao hơn khoảng bốn lần so với bán đi Trung Quốc. Lợi ích kinh tế cao hơn nhưng ít có doanh nghiệp trong nước chịu đầu tư.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định có tới 11 loại trái cây, tập trung ở vùng ĐBSCL có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, nhưng phần lớn còn canh tác theo kiểu vườn tạp, quy mô nhỏ. Khi doanh nghiệp cần mua 5 – 10 container trái cây có chất lượng thì khó đáp ứng.
Doanh nghiệp rất ngại khi phải xuống từng vườn thu gom trái cây. Với lối làm ăn này, không đơn vị nào có thể nghĩ tới chuyện lâu dài.
“Doanh nghiệp mới làm nên trò!”
Chiều 26.7, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, giám đốc trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu (cục Bảo vệ thực vật, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) thông báo cơ quan chức năng Nhật Bản đang xúc tiến cấp giấy phép nhà máy xử lý hơi nước nóng thứ hai cho một doanh nghiệp Việt Nam. Sau khi được xử lý bằng hơi nước nóng, thanh long Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Nhật.
Là người trực tiếp tham gia làm việc với các đối tác để lấy giấy thông hành cho trái cây Việt Nam, tiến sĩ Đạt khẳng định không thể xây dựng thương hiệu, giá trị trái cây trên nền tảng sản xuất quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ. “Sau nhiều năm làm việc, đến nay đã có khoảng 2.000ha thanh long, 100ha chôm chôm và hơn 30ha xoài được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Tất cả đều do HTX đứng tên pháp nhân chứ không có hộ gia đình nhỏ lẻ nào được cấp”, ông Đạt nói.
Hộ gia đình liên kết trong HTX sản xuất trái cây sẽ tạo ra số lượng cung ứng đủ lớn để doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Quy trình xây dựng thương hiệu, nâng giá trị cũng phải xuất phát từ sự liên kết này. Một doanh nghiệp không có khả năng đầu tư một vùng nguyên liệu đủ lớn được mà phải liên kết với HTX.
Theo SGTT