Xây dựng vùng nuôi lợn an toàn dịch bệnh, hướng tới xuất khẩu

Với tổng đàn lợn lên đến gần 2 triệu con, tỉnh Thái Bình và tỉnh Nam Định hiện đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lựa chọn thí điểm xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh để tiến tới xuất khẩu.
Xây dựng vùng nuôi lợn an toàn dịch bệnh, hướng tới xuất khẩu
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị góp ý “Đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn để xuất khẩu tại tỉnh Nam Định và Thái Bình” diễn ra ngày 30/10 tại Hà Nội.
Liên quan đến đề án này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: Đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn để xuất khẩu tại 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình là nhằm phát triển bền vững hơn nữa ngành chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, qua đó nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo đó hiện nay tỉnh Nam Định có tổng đàn lợn hơn 760 nghìn con, với 138 trang trại và khoảng 10 nghìn gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 1 cơ sở chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Còn tại tỉnh Thái Bình hiện có gần 1 triệu 100 nghìn con, với 2 cơ sở chăn nuôi lợn được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng. Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, việc lựa chọn Nam Định và Thái Bình triển khai thí điểm đề án không chỉ căn cứ vào vị trí địa lý và điều kiện đảm bảo an toàn về dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn của các địa phương thời gian qua mà còn bởi đây là các địa phương có điều kiện thuận lợi trong giao thương và lưu thông, vận chuyển phục vụ xuất khẩu….
Trên cơ sở đó, Hội nghị đã tập trung đóng góp ý kiến vào các tiêu chí, khái niệm và giải pháp xây dựng vùng an toàn dịch; vai trò trách nhiệm của các trang trại, kinh tế hộ chăn nuôi khi tham gia Đề án...Nếu Đề án được phê duyệt sẽ không chỉ giúp các địa phương nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh trên gia súc, hướng tới thanh toán dịch lở mồm long móng và dịch tả trên lợn mà còn tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra tiêu thụ sản phẩm và phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, để sớm được phê duyệt, Đề án cũng cần phải làm rõ các nội dung về quy trình xây dựng cũng như công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh ở địa phương theo tiêu chuẩn VietGap trong chăn nuôi hoặc tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các vấn đề phân cấp trong chỉ đạo, triển khai và nguồn kinh phí thực hiện...
Nguyễn Tiến Dũng
theo baocongthuong