Xem xét, đánh giá lại các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới

Qua 5 năm triển khai, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã thay đổi diện mạo nông thôn nước ta. Đời sống của người nông dân được cải thiện, hạ tầng cơ sở khang trang hơn, đẹp đẽ hơn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những hệ lụy to lớn khi nhiều xã bất chấp mọi thứ để về đích nông thôn mới hay việc huy động quá sức dân. Rõ ràng, việc cân đối thu – chi đang là bài toán nan giải đối với nhiều xã hiện nay.

Ông Nguyễn Hùng Vương, Chủ tịch Hội nông dân xã Ninh Hòa huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngay kể cả đường xá nông thôn chẳng hạn. Nhà nước là cho xi-măng, nhân dân bỏ công, hiến đất, nhiều thứ để xây dựng. Ninh Hòa hiện nay tại các thôn, đường xá đi lại đều bê tông hóa hết. Bộ mặt nông thôn càng ngày càng thay đổi. Nhân dân rất phấn khởi.

Để hoàn thành tiêu chí về giao thông, về cơ sở hạ tầng và nhiều tiêu chí khác, nhiều xã trong cả nước đã huy động mọi nguồn lực, dẫn đến tình trạng “vung tay quá trán”. Nợ đọng trong xây dựng cơ bản cứ thế ngày càng chồng cao mà không có phương án cũng như nguồn thu để trả. Để rồi, tổng kết đến cuối năm 2016, con số đã lên tới hơn 15.000 tỷ đồng.

"Chúng tôi có những cái nguồn đã được cấp trên cho phép để thực hiện, ví dụ như tới đây, địa phương có đấu giá giá trị quyền sử dụng đất và đã được UBND tỉnh quyết định, cho phép. Chúng tôi hướng vào đó để chúng tôi thực hiện những công trình để đạt được về đích nông thôn mới sớm hơn dự định. Nợ đọng ở đây thì chúng tôi có cái nguồn để chúng tôi có thể bù lại chứ cũng không vì phải nhất thiết để về đích nông thôn mới để mang một nợ rất lớn cho địa phương." Ông Nguyễn Quang Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư cũng cho hay.

Thảo luận trong kỳ họp Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong giai đoạn 1, đồng thời nhấn mạnh đến mục đích quan trọng nhất khi xây dựng chương trình.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nói: "Không được phớt lờ những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài nhiều xã, nhiều gia đình nông thôn, đặc biệt là những gia đình nghèo phải gánh chịu. Cần phải điều tra, thống kê đầy đủ tình trạng nợ của các xã, số lượng hộ nông dân rơi vào tình trạng bị huy động quá sức dẫn đến phá sản. Nông nghiệp sẽ không thể phát triển, nông thôn sẽ không thể khang trang, người nông dân sẽ không thể trở nên giàu có thì sẽ không có ý nghĩa gì."

Chủ trương của Chính phủ trong việc nâng cao đời sống, cả về vật chất và tinh thần, cho người nông dân là đúng đắn và chính đáng. Tuy nhiên, cần hơn nữa sự kết hợp giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông để Nông thôn mới thực sự làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn của nước ta.

 

Theo BT/antv.gov.vn