Xóa điểm trường lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục

Do điều kiện địa hình và giao thông khó khăn, trước đây, tỉnh Lào Cai có hàng nghìn điểm trường lẻ ở các thôn, bản, đáp ứng yêu cầu dạy và học ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, nhờ kết quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới, điều kiện giao thông thuận lợi hơn, tỉnh Lào Cai chủ trương xóa các điểm trường lẻ, tập trung về trường chính để nâng cao chất lượng dạy và học.
Giờ học Tiếng Việt của học sinh Trường PTDTBTTH Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai).

Tạo được sự đồng thuận cao

Giờ học môn Tiếng Việt của lớp 4A1, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBTTH) Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà rất sôi nổi. Không còn sự rụt rè, e ngại trước đám đông, các học sinh người dân tộc Mông, Dao hòa nhập với các bạn trong lớp với nét mặt tươi vui và tự tin. Ðây là lớp học của các học sinh "tái định cư", vừa được chuyển từ các điểm trường lẻ, có nơi cách xa hơn 15 km, về trường chính gần trung tâm xã để học tập. Ma Seo Chứ, lớp 4A1 cho biết: "Chúng em rất vui khi được về trường chính học tập, ở đây sinh hoạt ăn uống đầy đủ và học tập nền nếp hơn, được giao lưu với nhiều bạn bè cho nên học hỏi thêm được nhiều điều thiết thực và bổ ích". Hầu hết phụ huynh đều phấn khởi, yên tâm vì con em được ở bán trú, điều kiện chăm sóc và học tập tốt hơn. Ông Giàng Seo Hòa cho biết, con ông được ở nhà xây, ngủ giường tầng, có cô giáo chủ nhiệm quản lý học tập và sinh hoạt cho nên tiến bộ rất nhanh.

Ở Trường PTDTBTTH Thải Giàng Phố, qua tuyên truyền, vận động gắn với củng cố cơ sở vật chất, nhà trường đã di chuyển 162 học sinh, từ năm điểm trường lẻ (xa nhất là điểm trường Ngải Thầu cách trường chính 22 km), về tập trung tại trường chính. Ðể bảo đảm đủ phòng học, nhà trường sắp xếp lại các phòng học và phòng trang thiết bị của trường, đồng thời nâng sĩ số các lớp theo quy định chuẩn hóa. Huyện Bắc Hà đã đầu tư xây dựng thêm bốn phòng ở, nâng tổng số lên 12 phòng ở cho học sinh bán trú, bảo đảm các em có đủ không gian sinh hoạt và học tập.

Ở Trường PTDTBTTH Mản Thẩn, huyện vùng cao biên giới Si Ma Cai, dù còn rất nhiều khó khăn do địa hình cách trở, các thôn, bản ở xa trung tâm xã, xa trường chính, nhưng ban phụ huynh học sinh phối hợp chặt chẽ với nhà trường vận động và thực hiện chủ trương xóa các điểm trường lẻ, tập trung về trường chính để nâng cao chất lượng dạy và học. Ông Hoàng Seo Xóa, đại diện phụ huynh học sinh Trường PTDTBTTH Mản Thẩn cho biết, phần lớn các phụ huynh tán thành, ủng hộ việc xóa các điểm trường lẻ. Mặt khác, hiện nay, nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cho nên hệ thống giao thông liên xã, liên thôn, bản cũng tốt hơn, không còn gập ghềnh, lầy lội khó đi như trước. Do vậy, việc đến lớp của học sinh cũng dễ dàng hơn. Các em ở bán trú, sinh hoạt tại trường chính, cuối tuần mới về nhà và quay lại trường vào sáng thứ hai, nếu ở xa hơn 10 km thì phụ huynh có thể dùng xe máy đến đón, còn ở gần thì các em có thể cùng nhau đi bộ, các em lớp lớn kèm các em lớp nhỏ, bảo đảm an toàn.

Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tỉnh Lào Cai, thực hiện đề án "Rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến 2030", đến nay, toàn tỉnh đã đưa gần hai nghìn học sinh từ 72 điểm trường về trường chính học tập; giảm được 22 trường và 44 lớp học; tiết giảm được 85 cán bộ quản lý. Hiện nay, công việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học đang được triển khai quyết liệt tại tất cả 9 huyện, thành phố của tỉnh.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Lào Cai Nguyễn Anh Ninh khẳng định: Việc xóa các điểm trường lẻ, đưa học sinh về trường chính có nhiều cái lợi. Trước hết là khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học, đến lớp thất thường vốn tồn tại dai dẳng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì được sĩ số học sinh, tỷ lệ chuyên cần đạt hơn 90%. Ðiều quan trọng nhất là có điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học, vì các em được học đầy đủ các môn chuyên biệt, được giao lưu, học hỏi với nhiều bạn bè và thầy giáo, cô giáo nên tiến bộ nhanh hơn, nhất là về khả năng tiếng Việt. Trước đó, gần như 100% số học sinh ở các điểm trường lẻ (thôn, bản vùng cao, biên giới) là người dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Phù Lá, Hà Nhì, Xa Phó…, khả năng nói và viết tiếng Việt rất hạn chế. Về trường chính, các em còn được tham gia mô hình "Trường học nông trại", "Trường học du lịch - sinh thái", "Trường học đa văn hóa"… và nhiều hoạt động ngoại khóa khác cho nên được trang bị và khá thành thạo kỹ năng lao động, sản xuất và sinh hoạt hằng ngày.

Kết quả bước đầu qua hai năm thực hiện đề án, Lào Cai đã thật sự tạo bước chuyển mạnh trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ðặc biệt, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch mạng lưới trường, lớp; nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng nguồn lực nhờ đầu tư tập trung, không dàn trải, khai thác cao nhất cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tiết kiệm biên chế, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, giáo viên… Mạng lưới trường học, lớp học được quy hoạch lại theo hướng tập trung để có điều kiện nâng cao chất lượng; cơ sở vật chất được đầu tư, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa. Kết quả rõ nét nhất là đã giảm được 27 xã yếu về chất lượng giáo dục; 14 xã còn lại phấn đấu đến cuối năm 2017 không còn yếu về giáo dục. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT tăng rõ rệt. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn, tỉnh Lào Cai đoạt 41 giải các loại và lần đầu có học sinh đoạt giải nhất. Cuộc thi "Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp quốc gia", Lào Cai có 36 dự án đoạt giải. Ðiều đó minh chứng cho việc chất lượng giáo dục của tỉnh được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, việc xóa các điểm trường lẻ ở Lào Cai vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ. Hiện, vẫn còn 1.348 điểm trường lẻ, gây khó khăn cho quản lý cán bộ, quản lý hoạt động giáo dục. Một số nơi thừa giáo viên THCS các môn Toán, Lý, Văn, Sử; thiếu giáo viên mầm non và tiểu học, giáo viên THCS các môn Tiếng Anh, Âm nhạc, Tin học. Ðể khắc phục những hạn chế nêu trên, Sở GD và ÐT Lào Cai nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp: tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân; bảo đảm cơ sở vật chất lớp học, phòng ở cho học sinh và nhà công vụ cho giáo viên; bồi dưỡng và củng cố đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học; tăng cường xã hội hóa, hợp tác quốc tế phát triển giáo dục.

Bài, ảnh: QUỐC HỒNG và HỒNG THẢO
NGUỒN: NHANDAN.COM.VN