Xóa nghèo theo ấp

Xóa nghèo theo ấp
Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) khi được chọn làm xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Tiền Giang đã chọn khẩu hiệu “Đường làm tới đâu, dân giàu tới đó..."
Xóa nghèo theo ấp
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở Tân Mỹ Chánh
 

Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) khi được chọn làm xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Tiền Giang đã chọn khẩu hiệu “Đường làm tới đâu, dân giàu tới đó. Đường vào làng, vàng vào ngõ” để thực hiện.

Qua 3 năm chung tay xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Tân Mỹ Chánh đạt 26,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2013 chỉ còn 2,79%. Mô hình xóa nghèo theo từng ấp đã phát huy hiệu quả.

Ông Bùi Văn Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Chánh, cho biết: Ngày đầu bắt tay vào xây dựng NTM với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" cộng với khẩu hiệu "Đường làm tới đâu, dân giàu tới đó. Đường vào làng, vàng vào ngõ. Dân hiến 1 được 10", người dân đã hiến đất và đóng góp tiền xây dựng được 15 tuyến đường bê tông, 9 tuyến đường nhựa (loại đường theo tiêu chuẩn Bộ Giao thông - Vận tải) với chiều dài trên 10 km; tổng kinh phí trên 21 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt, hiến đất, vật kiến trúc, cây trái hoa màu).

Xã chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất UBND TP mua 4.000 m2 đất xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định NTM. Qua đó, kêu gọi được 1 DN đầu tư xây dựng Trung tâm thể dục thể thao trị giá trên 7 tỷ đồng.

Đối với SXNN, trong 3 năm qua, địa phương đã tổ chức chuyển giao KHKT và khai thác có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân hàng. Qua đó, tổ chức thực hiện các mô hình SX đạt giá trị kinh tế cao như: Trồng nấm linh chi, bào ngư...; đầu tư mô hình nuôi heo sinh sản theo hướng an toàn sinh học cho 26 hộ cho thu nhập cao. Bên cạnh đó, là các mô hình nuôi bò siêu nạc, trồng hoa kiểng, trồng thanh long…

Ông Hà Hữu Tài, ấp Bình Phong, phấn khởi cho biết: Tôi trồng được 650 nọc thanh long ruột đỏ chuyên canh đang cho trái mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện tại, trái thanh long ruột đỏ XK đang được các DN thu mua giá cao. Thời điểm này là mùa nghịch nên thanh long giá 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng một nửa.

Ông Bùi Văn Thơ cho biết thêm: Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 26,5 triệu đồng/người/năm. Đạt được kết quả trên, địa phương đã luôn chủ động trong các giải pháp giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nông dân trên từng đơn vị diện tích và tập trung công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn “theo phương châm xóa nghèo từng ấp”.

Cách làm của Tân Mỹ Chánh đầu tiên là thống kê số lượng hộ nghèo trong ấp, sau đó giao cho từng ban ngành, đoàn thể trong xã phụ trách. Kế tiếp là vận dụng nguồn vốn đầu tư phát triển hỗ trợ cho hộ nghèo theo nhu cầu và khả năng thực tế của từng hộ. Bên cạnh đó, các Mạnh Thường Quân hằng tháng còn hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo. Với cách làm này, trong năm 2013, ấp Tân Tỉnh B đã có 10 hộ thoát nghèo.

Việc đẩy mạnh ứng dụng KHKT, đào tạo nghề và xây dựng các mô hình điểm SX đã mang lại hiệu quả thiết thực cho Tân Mỹ Chánh. Hiện tại, người dân đã có điều kiện phát triển, góp phần tăng thu nhập.

Điển hình như dự án trồng rau tần dày lá được Cty Thiên nhiên Việt hợp đồng bao tiêu, bước đầu có hiệu quả khá cao. Dự án phát triển đàn bò thịt được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ với mức đầu tư 500 triệu đồng. Mô hình nuôi heo an toàn sinh học được Sở NN-PTNT hỗ trợ với mức đầu tư 391 triệu đồng và các mô hình khác giúp người dân hưởng lợi lớn.

"Khi dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi, công khai minh bạch các khoản đóng góp của dân, kịp thời khen thưởng động viên tinh thần vật chất đối với những hộ dân có nhiều công sức, tiền bạc, của cải đóng góp xây dựng thì việc thực hiện các tiêu chí NTM rất thuận tiện”, ông Thơ nói.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Tân Mỹ Chánh sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, Sở Công thương Tiền Giang kêu gọi các DN, HTX đầu tư xây dựng chợ xã Tân Mỹ Chánh theo quy hoạch đã duyệt. Xã phấn đấu xây dựng trường mẫu giáo, trường THCS đạt chuẩn quốc gia.

Đồng thời phối hợp với ngành điện vận động nhân dân đóng góp sửa chữa, cải tạo, nâng cấp lưới điện trên địa bàn đảm bảo an toàn. Tuyên truyền, vận động các DN, cơ sở cam kết bảo vệ môi trường, không có các hoạt động làm suy giảm môi trường, vận động nhân dân xử lý rác, chất thải trong sinh hoạt, chăn nuôi đúng quy định, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Sau 3 năm xây dựng NTM, đến nay Tân Mỹ Chánh đã đạt được 15/19 tiêu chí. Các tiêu chí còn lại gồm: Trường, chợ, điện và môi trường địa phương cũng đã thực hiện đạt khoảng 70%, nhưng để về đích được vào năm 2015, địa phương rất cần nguồn vốn từ tỉnh và Trung ương trợ lực.

Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, cho biết:

Qua 3 năm (2011-2013) triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Tiền Giang đã huy động nguồn vốn được khoảng gần 526 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 70 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hơn 107 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ chương trình, dự án, vốn huyện là hơn 116 tỷ đồng; vốn tín dụng cho vay giải quyết việc làm hơn 122 tỷ đồng, vốn dân góp (đất, hoa màu, vật kiến trúc... xây dựng giao thông nông thôn) là 60 tỷ đồng; vốn khác là 49 tỷ đồng.

Thanh Phong
Nguồn: nongnghiep.vn