Xử lý rác thải không còn là bài toán khó với Hà Tĩnh
- Thứ sáu - 03/05/2019 18:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hà Tĩnh chủ trương xây dựng mỗi gia đình có 1 hố rác; phân loại, xử lý rác thải đầu nguồn được nhân dân hưởng ứng tích cực.
“Đến từng ngõ, gõ từng nhà”
Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình MTQG XDNTM và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh đã thực hiện thí điểm thành công mô hình thu gom, xử lý rác thải, nước thải đầu nguồn tại một số địa phương.
Đây là sự kết hợp của tư duy khoa học, sát sao thực tiễn, đồng bộ kỹ thuật và quản lý mang lại hiệu quả thiết thực, giảm bớt gánh nặng ô nhiễm môi trường nhức nhối lâu nay ở nông thôn.
Theo đó, rác thải được phân loại thành rác tái chế, rác khó phân hủy và dễ phân hủy. Riêng rác thải hữu cơ được ủ làm phân bón tại vườn và ruộng.
Ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn (Thạch Hà) phấn khởi cho biết: “Giờ đây chúng tôi rất tự hào vì các khu dân cư với đường thôn, ngõ xóm, cảnh quan môi trường xanh, sạch hơn, không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi ra đường, nơi công cộng. Trong các hộ gia đình, ngoài nhà, trong bếp đều sạch mát, gọn gàng. Để có được thành quả đó, phải nói đến tính hiệu quả khi thực hiện xây dựng mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình trong hơn một năm qua.”
Để vận động nhân dân triển khai thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, Hội Phụ nữ, các đoàn thể đã thực hiện phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, hướng dẫn bà con phân loại, xử lý rác thải, xây dựng hố ủ phân hữu cơ...
Sản xuất phân hữu cơ vi sinh
Chị Hoàng Thị Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Lộc Hà,cho biết: Phân loại và xử lý rác ngay tại gia đình đã góp phần bảo vệ môi trường, đỡ chi phí cho các xe chở rác và có thêm phân để bón cho cây. Mô hình này ngày càng được người dân đồng thuận bởi tính hiệu quả trong việc hạn chế đầu vào của rác thải, trong khi đầu ra đang rơi vào tình trạng quá tải, không còn chỗ chôn lấp rác. Từ việc tận dụng phế phẩm, rác thải đã được phân loại, nhiều chị em còn mạnh dạn ứng dụng quy trình “sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải nông nghiệp” ngay tại hộ gia đình để tái sử dụng làm nguồn phân bón cho cây trồng, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình.
“Từ cách làm hiệu quả ở một số địa phương thời gian qua, chắc chắn xử lý rác thải, nước thải sẽ không còn là bài toán khó đối với Hà Tĩnh. Đặc biệt, mô hình không chỉ khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, mà còn mang lại nguồn lợi từ nguồn phân bón vi sinh để cải tạo đất nông nghiệp, biến vùng nông thôn trở thành khu dân cư xanh, những miền quê đáng sống”, bà Dương Thị Ngân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh nói.