Xuân Đinh Dậu 2017: Tạo xung lực và khí thế mới cho sự nghiệp Đổi mới
- Thứ bảy - 28/01/2017 09:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, cũng có không ít khó khăn, thách thức. Thành công của Đại hội XII đã tạo ra xung lực và khí thế mới cho sự nghiệp Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau Đại hội Đảng, Trung ương đã lãnh đạo tiến hành thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; sớm kiện toàn các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; khẩn trương xây dựng và tích cực tổ chức thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và 5 năm 2016 - 2020.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, nắm bắt thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, xác định rõ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2017 và đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp có tính khả thi cao.
Đặc biệt chú trọng các chính sách, biện pháp đột phá để kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đẩy mạnh tái cấu trúc đầu tư công, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công và hệ thống các ngân hàng thương mại, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để huy động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”.
(Trích phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngày 9/10/2016)
Qua hơn 30 năm Đổi mới, đất nước chúng tôi đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang |
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: kinh tế có bước phát triển nhưng chưa vững chắc, nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển...
Trong tình hình đó, chúng tôi tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, huy động mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân, đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc Đổi mới để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
(Trích phát biểu mang chủ đề “Đoàn kết, chung sức hành động, cùng phát triển bền vững” của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Đối thoại Singapore (Singapore Lecture) thứ 38, ngày 30/8/2016)
Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới đòi hỏi nền kinh tế phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững. Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy, cách làm cũ, không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ. Việt Nam cần phát triển ở trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, tận dụng được những thời cơ thuận lợi do hội nhập quốc tế, làn sóng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
(...) Chính phủ sẽ làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công. Chính phủ mong các doanh nhân, doanh nghiệp cũng khát khao như vậy, sẽ nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội để xây dựng Việt Nam ta giàu có, thịnh vượng”.
(Trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ phát động Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, ngày 11/10/2016, kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10)
Đất nước ta còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong nước, tình trạng khô hạn kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; sự cố môi trường và lũ lụt ở một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển nông nghiệp, đời sống của nhân dân. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường; giá dầu thô giảm mạnh, duy trì ở mức thấp hơn so với dự kiến kế hoạch, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước và các cân đối vĩ mô.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Trước tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao, có những giải pháp quyết liệt, đột phá để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tập trung vào ngân hàng thương mại, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo”.
(Trích phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngày 20/10/2016)