Xuân trên bản NTM kiểu mẫu
- Thứ hai - 10/02/2014 02:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cả hệ thống cùng vào cuộc
Chúng tôi về bản Tôm thấy không khí tưng bừng như sắp có một ngày hội lớn. Mặc dù ai cũng bận rộn nhưng hơn 50 hộ dân với 220 nhân khẩu trong bản đều gác hết công việc để đến nhà văn hóa cùng cán bộ căng phông bạt, kê bàn ghế… chuẩn bị đón danh hiệu bản đạt chuẩn NTM, thỏa mơ ước bấy lâu nay.
Bản Tôm là bản vùng cao thuộc diện Chương trình 30a, cách trung tâm huyện 9 km về phía Bắc; có tổng diện tích đất tự nhiên 49,46 ha (trong đó, đất lâm nghiệp 40 ha; đất lúa 3,96 ha và đất thổ cư 5,5 ha). 100% dân số ở đây là đồng bào dân tộc Thái, sinh sống hoàn toàn dựa vào SXNN.
Đầu quý II/2013, bản Tôm được BCĐ xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa chọn thực hiện thí điểm “bản NTM kiểu mẫu”. Thời điểm này SXNN ở bản Tôm đang manh mún, lạc hậu, đồng bào chủ yếu trồng lúa nước nhưng năng suất đạt thấp (40-50 tạ/ha); tổng đàn trâu bò 46 con; đàn lợn 45 con và gia cầm 550 con; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm hơn 90%; tỷ lệ hộ nghèo 14% (2012)…
Xuất phát điểm thấp, nhận thức của đồng bào về Chương trình xây dựng NTM gần như con số không, nhưng với phương châm “dễ làm trước khó làm sau”, BCĐ xây dựng NTM các cấp đã phân công các thành viên thường trực “cầm tay chỉ việc” cho từng người, vận động bà con tham gia hiến đất, làm hàng rào, chỉnh trang vườn hộ, áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác.
Nhà ở dân cư và môi trường sống luôn được người dân vệ sinh sạch sẽ
Ông Hà Thanh Khứt, Bí thư Huyện ủy kiêm Trưởng BCĐ xây dựng NTM huyện Bá Thước, tâm sự: Sở dĩ huyện lựa chọn bản Tôm để thực hiện thí điểm mô hình “bản NTM kiểu mẫu”, bởi đây là một bản có truyền thống cách mạng; xuất phát điểm ở mức trung bình so với các thôn, bản khác trong toàn huyện; 100% dân số là đồng bào dân tộc Thái thể hiện đặc trưng riêng của vùng nông thôn miền núi.
Theo quy định, Chương trình xây dựng NTM phải hoàn thành 19 tiêu chí, nhưng do đặc thù riêng nên bản Tôm chỉ thực hiện 15/19 tiêu chí. Trong quá trình triển khai, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng sự kiên trì của cán bộ, các đoàn thể trong việc vận động, tuyên truyền đã thay đổi nhận thức của đồng bào nơi đây.
Để được kết quả như hôm nay, có thể nói, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã đã cùng vào cuộc, huyện Bá Thước và Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ bản Tôm 90 tấn xi măng. Riêng người dân trong bản cũng hiến hơn 1.200 m2 đất, góp 1.650 ngày công, vật liệu và tiền mặt trị giá gần 350 triệu đồng.
Bản NTM đầu tiên
Sau gần một năm tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc, đến nay bản Tôm đã bê tông hóa 1,9 km đường nội bản; 200 m đường trục chính nội đồng; xây mới 2 cổng chào; xây dựng thành công mô hình cấy lúa tiến bộ SRI kết hợp bón phân viên nén dúi sâu trên giống lúa lai thâm canh với quy mô 4 ha; hình thành, phát triển hàng chục mô hình chăn nuôi tổng hợp cá, gà thả vườn, vịt Cổ Lũng, lợn Móng Cái. Đồng thời, khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch sinh thái. Không còn nhà tạm, dột nát; thu nhập bình quân đầu người đạt 14,6 triệu đồng/người/năm. Và, chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo (2%).
Những điệu múa truyền thống từng bị mai một nay cũng được khôi phục lại, hằng tuần đồng bào tổ chức luyện tập và sinh hoạt nhằm duy trì bản sắc văn hóa của người Thái.
Nhớ lại kỷ niệm những ngày đi vận động đồng bào cấy lúa theo mô hình SRI, Ông Hà Văn Lịch, Trưởng bản Tôm, kể: “Khi tổ chức họp hướng dẫn kỹ thuật gieo mạ và cấy, bà con phản đối kịch liệt, nhưng với quyết tâm phải thay đổi tư duy SXNN lạc hậu của họ, ngày nào cán bộ các đoàn thể cũng đến tận hộ tỉ tê to nhỏ, vận động đồng bào cùng tham gia. Cuối cùng, bà con đồng tình áp dụng tiến bộ cấy mạ non, mỗi cây một dảnh kết hợp phân nén dúi sâu”.
"Mới cấy xong nước trắng đồng, không thấy mặt lúa, nhiều người lội xuống ruộng để dặm nhưng chúng tôi cam kết nếu mất mùa cán bộ sẽ bồi thường toàn bộ, lúc đó bà con mới tin tưởng hoàn toàn. Kết quả thu hoạch vụ mùa 2013 đã đạt như mong muốn, năng suất bình quân mỗi ha tăng lên từ 30-50%", ông Lịch kể tiếp.
Tương tự, những ngày đầu kêu gọi đồng bào hiến đất mở đường hay đưa chuồng trại chăn nuôi ra vườn, hầu hết các hộ không đồng tình. Trước khó khăn đó, bản Tôm vận động cán bộ, đảng viên đi trước rồi dần dần một hộ, hai, ba đến hàng chục hộ cùng tham gia góp công, góp của xây dựng NTM.
Cụ Hà Minh Loan nói: “Đổi thay của bản Tôm hôm nay có sự đóng góp rất lớn của tất cả các hộ dân. Họ sẵn sàng tháo dỡ bờ rào, hiến hàng chục m2 đất vườn để làm NTM”.
“Đồng bào đã biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào SX, nhưng vẫn còn một số hộ khó khăn, nghèo. Vì vậy, thời gian tới cán bộ huyện, xã và thôn cần tiếp tục tuyên truyền vận động để thoát nghèo, làm giàu cho bà con bằng những kế hoạch chỉnh trang vườn hộ, biến đất vườn thành nơi hái ra tiền, duy trì các phong trào văn hóa truyền thống; xây dựng hệ thống cán bộ thôn thương dân, vì dân”, ông Hà Thanh Khứt nói.
Gặp chúng tôi, anh Lò Văn Tâm (53 tuổi), người vừa được nhận giấy khen “hộ làm kinh tế giỏi” của huyện, phấn khởi: “Cảm ơn cán bộ đã đưa Chương trình NTM về bản Tôm. Nhờ chương trình hỗ trợ giống lợn nái, vịt Cổ Lũng và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi mà nay gia trại nhà tôi đã có 10 con lợn; 3 con trâu, bò; 40 con vịt; 3 sào cây keo, luồng và một ao cá”.
Xuân này, đồng bào bản Tôm đã có khu vui chơi, tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống, có đường bê tông sạch sẽ để đi. Nhiều hộ chung nhau mổ lợn ăn Tết, thu hoạch cá mang ra chợ bán, mua quần áo mới cho con, cháu… Đây chính là mô hình “bản NTM kiểu mẫu”.
+ “Cả nước chưa có tiền lệ xây dựng thôn, bản NTM, nhưng Thanh Hóa đồng thời làm cả 2 việc, xây dựng xã và thôn, bản NTM. Thành công của mô hình NTM bản Tôm là cơ sở để huyện Bá Thước hoàn thành mục tiêu đạt huyện NTM vào năm 2030. Đây cũng chính là địa chỉ để các xã, huyện miền núi khác tham quan học tập, rút kinh nghiệm, áp dụng thực hiện ở địa phương mình”, ông Đỗ Thế Hạnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa. + Tính đến cuối năm 2013, huyện Bá Thước thực hiện được 175 tiêu chí, tăng 76 tiêu chí so với năm 2012; có 1 bản đạt chuẩn NTM; 3 xã từ 13 - 14 tiêu chí; 2 xã đạt 9 - 11 tiêu chí; 11 xã 7 - 8 tiêu chí và 6 xã dưới 6 tiêu chí. Năm 2014, Bá Thước tập trung ưu tiên nguồn lực chỉ đạo 4 xã điểm Tân Lập, Điền Trung, Điền Lư, Lương Trung hoàn thành các tiêu chí còn lại, phấn đấu năm 2015 đạt chuẩn NTM; 18 xã khác mỗi xã tăng ít nhất 2 tiêu chí. |
Nguồn: nongnghiep.vn