Xuất hiện những nút thắt cho vay thủy sản

Hoạt động quản lý rủi ro vốn và thu nợ từ các hợp đồng cho vay theo Nghị định 67/2014 bắt đầu xuất hiện những thực tiễn đáng lưu tâm, cần Chính phủ và các bộ ngành phối hợp điều chỉnh và bổ sung các quy định pháp lý.

Bảo hiểm ngưng cung cấp dịch vụ cho “tàu 67”

Hiện nay mặc dù hoạt động cho vay vốn theo Nghị định 67/2014 tại nhiều tỉnh, thành ven biển đang diễn ra khá hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế đã bắt đầu phát sinh khá nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng tới hoạt động kiểm soát rủi ro vốn của các TCTD.

Theo các NHTM, khó khăn đầu tiên là việc các DN bảo hiểm ngừng cung cấp dịch vụ bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67. Cụ thể, từ tháng cuối 12/2016 các đơn vị bảo hiểm như PJICO Vũng Tàu, Bảo Việt Bình Thuận… đã ngừng cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với tàu cá để chờ thông báo chính thức từ Bộ Tài chính xem có tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 trong năm 2017 hay không. Việc này dẫn đến nhiều tàu cá đang được làm thủ tục vay vốn hoặc đang đóng mới không hoàn thiện được hồ sơ để các NHTM giải ngân vốn.

Khó khăn thứ hai là việc tiếp cận thông tin trong lĩnh vực công nghiệp tàu thủy của các NHTM hiện nay khá rời rạc. Hầu hết các NHTM phải tiếp cận các thông tin về: định mức giá vật liệu, giá ngư cụ, doanh thu bình quân của các tàu dựa vào các công ty thẩm định do chính bên vay thuê. Do vậy, các TCTD khó khăn trong việc thẩm định mức vốn vay phù hợp với từng hồ sơ vay.

Các DN bảo hiểm ngừng cung cấp dịch vụ bảo hiểm khiến các tàu đóng mới trong năm 2017 khó hoàn thiện hồ sơ vay

Bên cạnh đó, hiện nay trong thực tế xuất hiện nhiều trường hợp 4-5 ngư dân cùng hợp tác vay vốn NH để đóng mới tàu cá, trong khi chính quyền địa phương chỉ phê duyệt đủ điều kiện đối với cá nhân khách hàng xin vay. Điều này dẫn tới rủi ro về pháp lý, trách nhiệm của bên vay và của những người tham gia hùn vốn (đồng sở hữu tàu) vì con tàu đóng mới đồng thời cũng là tài sản thế chấp sau này.

Ngoài ra, hiện nay trong quá trình đưa tàu đóng mới vào hoạt động, việc giao nhận giấy tờ pháp lý của tàu chỉ được thực hiện giữa các sở, ngành chuyên môn và chủ tàu. Việc này sẽ gây khó khăn và rủi ro cho NH trong việc quản lý đối với tài sản thế chấp nếu khách hàng cố tình sử dụng sai mục đích cho vay ban đầu.

Thiết lập chuỗi quản lý dòng tiền

Ngoài những nút thắt về pháp lý nêu trên đòi hỏi các Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT cần phải nhanh chóng tháo gỡ, theo đại diện một số NHTM tại Vũng Tàu, hiện nay theo quy định của Bộ Công Thương, các tàu hậu cần hoạt động xa bờ vẫn chưa được phép kinh doanh bán lẻ xăng dầu ở các vùng nước, cảng biển ngoài phạm vi Bộ GTVT quy định. Do vậy, nhiều tàu hậu cần công suất lớn không thể cung ứng nguyên liệu và thu mua hải sản tại các vùng biển xa, ảnh hưởng đến doanh thu và hiệu quả các chuyến đi biển.

Cũng ở góc độ kinh doanh, theo ghi nhận của các NHTM, hiện nay hầu hết các giao dịch liên quan đến việc mua bán thủy hải sản đều được thực hiện bằng tiền mặt, không thanh toán qua tài khoản NH. Điều này gây khó khăn đối với các NHTM trong việc quản lý dòng tiền và thu hồi nợ vì doanh thu của chủ tàu từ việc khai thác thủy hải sản được dùng để trả nợ vay.

NHNN Chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn trên, trước mắt đối với các tàu cá đã hoàn thành từ vốn vay theo Nghị định 67, địa phương cần có quy định cụ thể về việc ghi chép, lưu trữ hồ sơ lịch sử đánh bắt, hóa đơn, chứng từ mua bán thủy hải sản để các NHTM thuận tiện trong việc quản lý dòng tiền và thu nợ.

Về lâu dài chính quyền cấp tỉnh nên chỉ đạo các sở ngành phối hợp xây dựng mô hình khép kín trong việc quản lý nguồn thu từ hiệu quả đánh bắt hải sản gồm các thành phần: ngư dân – đại lý thu mua hải sản – NH nhằm hỗ trợ các NHTM thu hồi vốn và lãi vay trong suốt thời gian hoàn vốn lên tới 16 năm.

Đa số “tàu 67” hoạt động hiệu quả

Kết quả cho vay đối với chính sách tín dụng phát triển thủy sản tại nhiều địa phương đạt kết quả khá cao trong thời gian vừa qua. Theo NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Thuận, tính đến cuối tháng 2/2017, Bình Thuận là một trong top 5 địa phương có số lượng vốn giải ngân theo chương trình cho vay phát triển thủy sản nhiều nhất nước.

Theo đó, đến nay các chi nhánh NHTM ở tỉnh này đã tiếp nhận 106 hồ sơ vay vốn của ngư dân. Trong đó đã ký hợp đồng tín dụng với 84 trường hợp. Tổng số tiền cam kết cho vay đạt 609,3 tỷ đồng, đã giải ngân 536,6 tỷ đồng, còn gần 73 tỷ đồng chuẩn bị cung ứng theo tiến độ đã ký kết.

Ông Phạm Văn Trịnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho biết, từ đầu chương trình cho vay đến nay, địa phương đã có 70 tàu cá, tàu hậu cần hình thành từ vốn vay NHTM được hoàn thành và đưa vào hoạt động. Bên cạnh việc cho vay đóng mới và sửa chữa, nâng cấp tàu, các NHTM tại Bình Thuận cũng dành khoảng trên 115 triệu đồng cho chủ tàu, ngư dân vay vốn lưu động. Ngoài ra, trong năm 2016, NHNN tỉnh cũng phối hợp với các sở, ngành triển khai gói hỗ trợ 50 máy thông tin liên lạc cho các tàu cá.

Ghi nhận tại huyện đảo Phú Quý, thị xã La Gi nhiều tàu cá hình thành từ vốn vay đã làm ăn hiệu quả, doanh thu nhiều tàu lớn đạt từ 2-3 tỷ đồng/chuyến đi, lãi sau mỗi chuyến đi đạt từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Một số tàu, sau 4-5 chuyến đi biển đã bắt đầu trả nợ gốc khá lớn cho các NHTM.

Tương tự tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Thống kê của chi nhánh NHNN tỉnh này cho thấy, đến thời điểm 21/2/2017 các NHTM trên địa bàn Vũng Tàu đã ký hợp đồng vay vốn đối với 55 tàu cá, tàu hậu cần đóng mới và nâng cấp. Tổng số vốn cam kết cho vay đạt gần 890 tỷ đồng. Trong đó đã giải ngân hơn 745,2 tỷ đồng và đang tiếp tục thẩm định để cho vay 12 tàu mới trong năm 2017.

Các NHTM ở Vũng Tàu cho rằng, đến thời điểm hiện nay đã có 41 tàu cá, tàu hậu cần hình thành từ vốn vay được hoàn thành và đi vào hoạt động. Hiện nhiều chủ tàu cho biết sau khi hạ thủy các chuyến đầu tiên, doanh thu và lãi ròng bắt đầu tăng khả quan. Các tàu đã bắt đầu trả nợ vốn vay với số tiền đạt khoảng 5,56 tỷ đồng.

Bình Thuận muốn giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ ngư dân

Theo NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Thuận, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có một số trường hợp tàu cá vay theo Nghị định 67/2014 bị cơ quan chức năng nước ngoài bắt giữ và tiêu hủy do xâm phạm vùng lãnh hải. Do vậy, để ràng buộc các chủ tàu không tiếp tục vi phạm lãnh hải nước ngoài trong thời gian hoạt động và trả nợ, đơn vị đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu cho phép các NHTM được yêu cầu khách hàng ký cam kết không vi phạm, nếu vi phạm sẽ xử lý tài sản khác là nhà đất để thu hồi nợ trước hạn.

Như vậy, khi hoàn thiện hồ sơ vay, khách hàng cần nộp thêm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản trên đất (tương tự như việc nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khách hàng vay Nghị định 55/2015 của Chính phủ). Riêng đối với các tàu cá đã bị cơ quan chức năng nước ngoài thu giữ, hủy hoại, NHNN tỉnh Bình Thuận kiến nghị Chính phủ xem xét mở ra cơ chế cho phép các NHTM được giữ nguyên nhóm nợ để tạo điều kiện cho chủ tàu tạo nguồn trả nợ các NH.