Xuất khẩu Việt Nam tăng kỷ lục, đạt hơn 213 tỷ USD
- Thứ năm - 28/12/2017 21:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thưa ông, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 thực ra vẫn thấp hơn nhiều so với những năm trước đây, vì thế, nói xuất khẩu năm nay lập kỳ tích có lẽ hơi quá?
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 21% (loại trừ yếu tố giá tăng 17,6%) là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2007, năm 2008 và năm 2011 (đạt tương ứng 139,8%, 128,6% và 125,8%).
Tuy nhiên, năm 2017 được coi là kỳ tích vì những năm trước đây, xuất khẩu dầu thô và tài nguyên thiên nhiên chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu hàng xuất khẩu, còn năm 2017 thì ngược lại, những mặt hàng sản xuất trong nước, đặc biệt là điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng… chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu kim ngạch hàng xuất khẩu. Điều đáng nói nữa là, không ai ngờ mặt hàng rau quả năm nay lại đạt kim ngạch xuất khẩu tới 3,52 tỷ USD, tăng hơn 43%.
TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê |
Nếu “luận công xét thưởng”, những đối tượng nào góp công lớn nhất vào thành tích xuất khẩu năm 2007, thưa ông?
Đây là thành quả của công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là giảm thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm tối đa thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng tinh thần chỉ đạo trong 4 Nghị quyết 19/NQ-CP được ban hành liên tiếp từ năm 2014 đến năm 2017.
Đây cũng là thành quả của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, với rất nhiều chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ trong cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó, đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ đã “ấn định”, trong năm 2017, thời gian thông quan hàng hóa tối đa là 70 giờ đối với xuất khẩu, 90 giờ đối với nhập khẩu.
Kết quả trên có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và hàng triệu hộ nông dân - những người đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản. Nhưng nếu “luận công xét thưởng”, thì Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công rất lớn. Hồi đầu năm, chúng tôi cũng thật sự lo ngại tình trạng “được mùa rớt giá” khi Long An mở rộng diện tích trồng cây thanh long, nhưng cuối cùng, quả thanh long cũng như xoài, vải… và mới đây là vú sữa đã có được “visa” để xuất ngoại, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu 3,52 tỷ USD. Có được kết quả này không thể không nhắc tới sự năng động, sáng tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Nhưng không thể phủ nhận rằng, “kỳ tích xuất khẩu” của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khu vực doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Samsung?
Trong tổng số 213,77 tỷ USD xuất khẩu thì khu vực kinh tế trong nước đóng góp 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) chiếm 155,24 tỷ USD, tăng 23%. Năm 2017, Samsung tạo ra 1,21 triệu tỷ đồng giá trị sản xuất, tăng 31% so với năm 2016; xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 25,9 tỷ USD, tăng 36,5%; điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 31,4%. Chỉ riêng Công ty Samsung đã đóng góp 5,34 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 14,5% của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo và đóng góp 3,88 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 9,4% của toàn ngành công nghiệp.
Không thể phủ nhận sự đóng góp rất lớn của khu vực doanh nghiệp FDI, đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung… Đây cũng chính là thành quả của nền kinh tế Việt Nam, vì trên thế giới, không chỉ những nước đang phát triển, mà ngay cả những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… cũng tập trung thu hút vốn FDI.
Thực tế, chính các nước phát triển là những nước thu hút FDI nhiều nhất. Chính phủ Hoa Kỳ đã và đang giảm rất mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 20% và dự kiến giảm xuống 15% nhằm thu hút vốn FDI và giữ chân doanh nghiệp nội địa. Vì vậy, việc Việt Nam thu hút được các tập đoàn hàng đầu thế giới, doanh nghiệp FDI đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước, chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất nhập khẩu là điều đáng mừng, chứ không phải đáng lo ngại.
Đang trên đà xuất khẩu thuận lợi, nhưng năm 2018, Quốc hội chỉ đặt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7 - 8%, bằng với mục tiêu năm 2017. Ông có nghĩ rằng, mục tiêu này là khiêm tốn?
Nếu đạt được mục tiêu này, thì kim ngạch xuất khẩu năm 2018 phải đạt 230 tỷ USD. Mục tiêu đặt ra đã được tính toán rất kỹ vì xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường thế giới, biến động giá cả trên thị trường thế giới, nhu cầu tiêu dùng của người dân và sự phục hồi của kinh tế thế giới, do thương mại chỉ tăng trưởng khi kinh tế tăng trưởng.
Tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 ở mức 7 - 8% là hợp lý, vì theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 là 3,8% - giảm so với mức tăng 4% của năm 2017. Tương tự, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 là 3,9% - cũng giảm so với năm 2017.
Tôi cho rằng, năm 2018, để đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 230 tỷ USD là không hề dễ dàng trước xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng rõ nét. Thậm chí, nếu không quyết liệt ngay từ đầu năm, thì mục tiêu này khó có thể đạt được, vì hiện tại, EU đã “rút thẻ vàng” đối với hàng thủy sản, còn Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với nhiều sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.
http://baodautu.vn/