Xuất khẩu gạo tốt hơn mong đợi: Vẫn chưa đảm bảo lợi nhuận cho nông dân
- Thứ sáu - 06/07/2012 04:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là đánh giá của bộ Công thương, hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và giám đốc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo diễn ra ngày 5.7, tại TP.HCM.
Kết quả khác với dự báo
Đầu năm nay, VFA từng tổ chức khá nhiều cuộc họp, dự báo thị trường xuất khẩu gạo 2012 sẽ gặp nhiều bất lợi do sản lượng gạo toàn cầu dự báo tăng, trong khi nhu cầu và giao dịch thương mại giảm sút vì khủng hoảng kinh tế, nợ công lan rộng. Ngoài ra, gạo Việt Nam còn bị cạnh tranh gay gắt từ gạo giá rẻ của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Và vấn đề tồn kho của Thái Lan, Ấn Độ cũng khiến cho đầu ra hạt gạo không mấy sáng sủa.
Bản thân ông Trương Thanh Phong, trong trả lời phỏng vấn SGTT vào đầu tháng 2.2012, cũng khẳng định năm nay bà con nông dân cấy lúa cấp thấp (IR 50404) quá nhiều, trung bình khoảng 50 – 60% diện tích, có tỉnh lên 70%. Do không thể cạnh tranh được với gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan nên chắc chắn việc tiêu thụ loại lúa này sẽ diễn ra chậm chứ không thể đẩy nhanh được. Và ông Phong từng khuyến cáo bà con nông dân khi vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, nếu thật sự cần tiền thì hãy bán lúa, còn không thì trữ lại vì doanh nghiệp không thể mua hết ngay được.
Những dự báo nói trên là cơ sở để các doanh nghiệp được Chính phủ chấp thuận cho vay 7.531 tỉ đồng tạm trữ 1 triệu tấn gạo đông xuân với lãi suất 0% trong vòng ba tháng. Giá lúa đông xuân, vì phải mua tạm trữ nên doanh nghiệp cũng chỉ “cam kết” mức đánh đồng 5.000 đồng/kg. VFA cũng thừa nhận một thực tế là trong quảng thời gian sáu tháng vừa qua, giá lúa biến động liên tục. Tháng 1 và 2 giảm sút, ổn định vào tháng 3, tháng 4, sau đó tiếp tục giảm trong tháng 5, tháng 6 và hiện nay ở mức thấp nhất trong vòng sáu tháng: lúa khô hạt dài còn 5.100 đồng/kg, lúa thường 4.800 đồng, thấp hơn 1.500 – 2.000 đồng so với hè thu năm ngoái.
Trước những dự báo kể trên, kết quả xuất khẩu gạo sáu tháng đầu năm do VFA đưa ra là đáng mừng. Lượng gạo ký hợp đồng trong sáu tháng tăng ngoài dự kiến, đạt 5.288 triệu tấn, lượng xuất khẩu 3.414 triệu tấn, giảm 12,76% so với cùng kỳ. Điều đáng nói là mặc dù liên tục đưa ra thông tin giá gạo xuất khẩu năm nay rất thấp, nhưng thực tế thì giá xuất bình quân trong sáu tháng chỉ thấp hơn 13,03 USD so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân ít giảm là nhờ chủng loại gạo cao cấp (5 – 15% tấm) đã tăng 52,66% so với cùng kỳ và chiếm 49,75% lượng gạo xuất khẩu.
Tiếp tục kêu khó…
Trong cuộc họp ngày 5.7, ông Trương Thanh Phong nhận định, xuất khẩu gạo sáu tháng cuối năm tiếp tục đối mặt với khó khăn, trong đó nổi cộm nhất là lượng gạo tồn kho của Ấn Độ và Thái Lan. Đến cuối năm nay lượng gạo tồn kho của Thái Lan vượt con số 10 triệu tấn, còn Ấn Độ cũng ngoài còn số 20 triệu. Bất cứ động thái nào của của chính phủ các nước này liên quan đến giải quyết tồn kho đều ảnh hưởng đến thị trường gạo thế giới. Việc tiêu thụ trong sáu tháng cuối năm vẫn bị ảnh hưởng bởi nguồn gạo giá rẻ từ Myanmar hay Pakistan, cũng như chính sách nhập khẩu gạo được coi là rất phập phù của Trung Quốc.
Do các khó khăn kể trên, với vai trò là chủ tịch VFA, ông Trương Thanh Phong cam kết doanh nghiệp sẽ tiêu thụ hết lúa hàng hoá vụ hè thu, nhưng chỉ mua theo giá thị trường và ngay cả kế hoạch mua tạm trữ 500.000 tấn gạo vừa được Chính phủ chỉ định cũng không có mức giá sàn như các vụ trước. “Tôi khẳng định nông dân không lỗ, nhưng không dám cam kết nông dân có lời 30% được”, ông Phong nói.
Nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu. Hiện nay, nông dân chỉ bán lúa tươi khoảng 3.500 đồng, còn lúa khô xoay quanh mức trên 4.500 – 4.600 đồng/kg. Nếu so với giá thành 3.993 đồng/kg lúa hè thu, theo công bố của bộ Tài chính, nông dân trồng lúa không thể có mức lời 30%.