Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Thủy sản, trái cây "mắc cạn"
- Chủ nhật - 23/02/2020 03:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong tháng 01/2020 đạt 280,79 triệu USD, giảm 20,6% so với tháng 01/2019. Xuất khẩu rau quả tháng 01/2020 giảm mạnh do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán và tác động của dịch cúm do Covid – 19.
Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng rau quả quan trọng của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 64,8% tổng trị giá xuất khẩu trong năm 2019. Tháng 01/2020, trong các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực, Trung Quốc là thị trường có tốc độ xuất khẩu giảm mạnh thứ 2, sau Hà Lan, đạt 173,5 triệu USD, giảm 32,4% so với tháng 01/2019.
Thanh long là một trong những mặt hàng chịu nhiều tác động của dịch Covid - 19 khi hoạt động thông quan tại các cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc đang chậm. Ảnh: I.T
Tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm từ mức 72,6% trong tháng 01/2019, xuống còn 61,8% trong tháng 01/2020.
Thông thường, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau tết Nguyên đán rất sôi động, đặc biệt là mặt hàng trái cây. Tuy nhiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm 2020, xuất khẩu trái cây Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19.
Thủy sản cũng là mặt hàng chịu nhiều tác động của dịch Covid – 19. Xuất khẩu thủy sản tháng 1/2020 đạt 491,6 triệu USD, giảm 32,2% so với tháng 12/2019 và giảm 33,2% so với tháng 01/2019.
Đặc biệt, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm từ 10% trong tháng 01/2019 xuống còn 8,9% trong tháng 01/2020. Từ tháng 02/2020, tác động của dịch đến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc càng rõ nét hơn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu đất liền chiếm khoảng 16% về lượng và 19% về trị giá.
Do đó, chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản theo đường biên giới đất liền, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc có khả năng giảm khoảng 20% về trị giá mỗi tháng trong thời gian chưa kiểm soát được dịch do tác động hạn chế giao thương qua cửa khẩu đất liền nhằm kiểm soát Covid-19.
Nông dân nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa bị ảnh hưởng do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, giá tôm hùm giảm đáng kể. Ảnh: Thăng Bình.
Bên cạnh đó, hiện tượng dồn ứ hàng tại các cảng biển của Trung Quốc, tác động của Covid-19 đến kinh tế và tiêu dùng thủy sản của nước này sẽ khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh trong quý I/2020.
Điều này đã có tác động rõ rệt đến thị trường, trong 2 tuần đầu tháng 02/2020, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang và giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau giảm.
Tương tự, giá tôm hùm ở nhiều địa phương cũng giảm mạnh do khó xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh có hơn 66.000 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu tập trung 2 huyện TP Cam Ranh và huyện Vạn Ninh.
Tôm hùm cũng như ốc hương ở Khánh Hòa chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc xuất tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ, khiến lượng tôm thịt tồn, chưa xuất bán còn tương đối nhiều.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam chịu tác động do phía Trung Quốc tạm thời đóng cửa các cửa khẩu biên giới đất liền nhằm kiểm soát dịch Covid - 19. Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc chủ yếu qua các cửa khẩu Lào Cai và Thanh Thủy (Hà Giang), chiếm lần lượt 55,9% và 31,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, mức độ tác động trong 2 tháng đầu năm 2020 chưa mạnh bởi theo dõi số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Trung Quốc thường tăng mạnh từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm.
Trong bối cảnh diễn biến của Covid - 19 còn rất phức tạp, để hạn chế tác động từ dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới tới ngành hạt tiêu, doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi hình thức giao nhận hàng, đẩy mạnh xuất khẩu theo đường biển, hay đường sắt liên vận.
Theo Bộ Công Thương, trong tình hình dịch còn khó kiểm soát, chắc chắn hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản.
Theo Khánh Nguyên/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây