Xuất khẩu thủy sản: Lắm chông gai

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thế nhưng theo dự báo, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) sản xuất và xuất khẩu thủy sản năm 2013 "đuối” do gặp nhiều khó khăn, sụt giảm giá trị nhập khẩu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Một đầm tôm ở Ninh Bình
Rào cản với con tôm
 
Theo VASEP, ngành tôm xuất khẩu Việt Nam năm nay ngoài những khó khăn muôn thuở về thiếu vốn, chi phí sản xuất gia tăng sẽ phải đối mặt với những thách thức chính: sản lượng nguyên liệu giảm do dịch bệnh và hội chứng tôm chết sớm. Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa lực lượng thu mua tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL (khu vực chiếm 75% sản lượng tôm nuôi của cả nước) với lực lượng thu gom tôm cho xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Khi đó tôm nguyên liệu sản xuất sẽ thiếu, buộc phải nhập khẩu. Từ đây lại gánh nặng về thuế, phí lại ăn mòn vào lợi nhuận.
 
Đặc biệt, rào cản lớn nhất tới xuất khẩu là sự co hẹp thị trường tiêu thụ từ các nền kinh tế lớn như EU, Mỹ. Khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ vẫn còn tiếp diễn, hoặc kinh tế tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc sẽ ít nhiều có thể làm giảm nhập khẩu tôm vào những thị trường này. Và cuối cùng, khi hai thị trường chủ lực Nhật Bản và Hàn Quốc áp dư lượng chất Ethoxyquin thì tôm Việt Nam sẽ khó bật mạnh được vào hai thị trường này.
 
Do vậy, dù nỗ lực lạc quan thì kịch bản sáng nhất cho kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay cũng chỉ có thể đạt 2,4 tỷ USD.
 
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nếu không vượt qua được những rào cản trên thì giá trị XK chỉ khoảng 1,9 tỷ USD, giảm tới 13% so năm 2012.
 
Các doanh nghiệp thủy sản cũng cho biết, xuất khẩu tôm năm 2013 tiếp tục chịu sự cạnh tranh quyết liệt và gặp khó khăn từ nhiều phía. Trong khi các nước tăng cường kiểm tra đối với con tôm Việt Nam mà các hộ nuôi chưa tuân thủ quy chuẩn nuôi ngặt nghèo sẽ khiến xuất khẩu tôm bị đuối.
 
Mặc khác, theo nhận định của nhiều DN, nếu vấn đề chất Ethoxyquin không sớm được giải quyết, giá tôm trong năm 2013 sẽ tiếp tục giảm thêm từ 30.000 – 50.000 đồng/kg chứ không dừng lại như hiện nay. 
 
Cá tra cũng đuối
 
Cùng với con tôm, dự báo xuất khẩu cá tra sang châu Âu năm 2013 chưa khởi sắc khi lượng nguyên liệu trong nước cũng như đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu vẫn tiếp tục ở mức thấp.
 
Nhưng nguyên nhân khiến cho "thể trạng” cá tra đuối ngoài thị phần thì còn do DN sản xuất, chế biến trong nước tự mình làm yếu mình. Trong cuộc chạy đua về sản lượng xuất khẩu, lẽ ra với ưu thế "một mình một chợ” của ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam (chiếm trên 80% thị phần thế giới), các DN Việt Nam hoàn toàn có thể giữ thế chủ động trong vấn đề định giá. Nhưng vì cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng cách hạ dần giá xuất khẩu để "giành khách” nên giá xuất khẩu cá tra cứ rớt dần theo thời gian từ 4,93 USD/kg xuống còn 2,4 USD/kg. Thay vì việc cùng nhau nâng cao chất lượng cá tra để tăng trị giá xuất khẩu thì DN nội địa ép giá, làm khổ người nông dân càng làm suy yếu thêm ngành cá tra xuất khẩu.
 
DN không liên kết trong khi đó, sự cạnh tranh về xuất khẩu thủy sản trên thế giới lại ngày càng gay gắt. Bởi Thái Lan, Phillipines và nhiều nước khác đang tích cực đầu tư vào việc nuôi, xuất khẩu cá tra để sẵn sàng cạnh tranh với Việt Nam.
 
Đối với xuất khẩu cá ngừ đại dương, dù được đánh giá là thế mạnh nhưng ngành này cũng không mấy "thuận buồm xuôi gió”. Do các diễn biến phức tạp về ngư trường, thời tiết và nguồn lợi suy giảm nên có thể sẽ ảnh hưởng đến sản lượng khai thác, khiến kim ngạch xuất khẩu khó ổn định.
 
Nhìn chung, "bức tranh” của ngành thủy sản Việt Nam trong năm nay sẽ không mấy sáng sủa nếu không có một giải pháp hữu hiệu trong vấn đề khơi thông nguyên liệu và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng.
 
Để tháo gỡ khó khăn mặt hàng này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các Viện nghiên cứu phối hợp với Tổng cục Thủy sản tập trung nguồn lực rà soát lại cơ chế chính sách đối với 5 đối tượng thủy sản trong đó đặc biệt lưu tâm tới cá tra. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới của ngành là tổ chức lại sản xuất, xuất khẩu cá tra bền vững. Cụ thể, sẽ tổ chức lại sản xuất trong nước theo hướng liên kết chuỗi giữa sản xuất, cung nguyên liệu với chế biến, xuất khẩu. Đồng thời, phải tổ chức lại các DN xuất khẩu theo hướng có kiểm soát và có điều kiện.
Hồ Hương
http://daidoanket.vn