Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong quý I đã có những chuyển biến tích cực, nhiều mặt hàng tăng trưởng cao cả về khối lượng và giá trị. Đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch XK chung nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản trong quý I phải kể đến các mặt hàng cà phê, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ… Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là cà phê, hạt tiêu...
Cà phê là mặt hàng được kỳ vọng đem lại nhiều kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo, năm 2014 cả nước sẽ XK khoảng 125.000 - 130.000 tấn hồ tiêu, thu về khoảng 900 triệu USD. VPA cho biết lượng hồ tiêu tồn kho vào những tháng cuối năm 2013 còn ít, trong khi sản lượng của năm 2014 được dự báo tăng không nhiều, mặt khác nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên thị trường ổn định và có thể tăng lên, nên giá sản phẩm này trong năm nay vẫn ở mức cao (năm ngoái bình quân là 120.000 đồng/kg). Năm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục đứng đầu thế giới về XK tiêu khi chiếm hơn 50% lượng hồ tiêu XK thế giới.
Còn Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) thì cho biết, năm 2014 ngành điều vẫn giữ được mức tăng ít nhất bằng năm 2013 (khoảng 1,7 tỷ USD kim ngạch XK, nếu tính cả mặt hàng dầu vỏ hạt điều và sản phẩm hạt điều chế biến sâu thì kim ngạch XK ngành điều vào khoảng 1,8-1,9 tỷ USD). Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Vinacas dự báo trong năm 2014, nếu doanh nghiệp đẩy mạnh được chế biến sâu và giá điều XK tốt hơn 2013, giá trị XK điều có thể lên hơn 2 tỷ USD.
Không chỉ tiêu, điều, theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), năm 2014 mặt hàng rau củ quả cũng có triển vọng đạt mức tăng trưởng kim ngạch XK từ 20-30% và Vinafruit kỳ vọng kim ngạch XK rau quả sẽ vượt hơn mốc 1 tỷ USD như năm 2013...
Vẫn cần nỗ lực
Ông Trần Thanh Hải- Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay, sản xuất nông sản, thủy sản XK của Việt Nam đã tích cực áp dụng các biện pháp quản lý theo hệ thống như VietGAP, ISO, HACCP và đang thực hiện hiệu quả quy trình quản lý theo chuỗi từ “ao nuôi đến bàn ăn” (đối với thủy sản), “từ đồng ruộng đến bàn ăn” (đối với nông sản)… đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng, về an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của người tiêu dùng nên được nhiều bạn hàng và người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ những nỗ lực đó, XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam những tháng đầu năm nay đã bứt phá trở lại, vươn tới 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Xuất siêu được 1,8 tỷ USD |
Mặc dù vậy, để đạt mục tiêu xuất siêu nông sản năm nay đạt 8,5 tỷ USD, ngành nông nghiệp cần rất nhiều nỗ lực. Bởi bên cạnh các mặt hàng lạc quan về XK như điều, tiêu, rau quả, thủy sản... thì XK gạo, cà phê, cao su dự báo sẽ gặp khó khăn về kim ngạch và giá trong những tháng còn lại của năm 2014. Kể cả Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philipines. Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: "Chúng ta vẫn tiếp tục chịu áp lực bán hạ giá của Thái Lan và cạnh tranh XK từ các nguồn cung cấp chính ở châu Á nên xu hướng giá không thể tăng mạnh."-ông Bảy nói.
Bà Trần Thị Thúy Hoa - Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cũng thông báo, năm 2014 sản lượng mủ cao su thiên nhiên được dự báo vẫn tăng, nguồn cung trên thế giới sẽ vượt cầu, trong khi thị trường tiêu thụ chưa thể phục hồi mạnh mẽ như những năm trước nên giá cao su XK sẽ khó tăng cao.
Ngay lúc này, ông Toại đề nghị các bộ ngành cần có trang thông tin thị trường tương đối nhạy bén và "nóng" hơn để phục vụ XK hàng nông sản của bà con nông dân, tránh "mù" thông tin, hoặc thông tin không chính xác ảnh hưởng tới XK nông sản.
Mai Hương
Theo danviet.vn