Xưởng đũa... vì dân

Để giải quyết số lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc Cà Tu ở huyện Nam Giang (Quảng Nam), đầu năm 2015, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 207 (thuộc Quân khu 5) đã đầu tư, xây dựng Xưởng gia công chế biến nông lâm sản ở xã Chà Val, chuyên sản xuất đũa trên địa bàn.
hượng tá Đoàn Đình Thục hướng dẫn người lao động làm việc.

Với số vốn ban đầu 120 triệu đồng, Xưởng gia công chế biến nông lâm sản triển khai thử nghiệm làm đũa tre với quy mô bốn máy dập và 15 lao động. Đây là những lao động trẻ, trước khi làm việc ở xưởng, quanh năm họ chỉ gắn với nương rẫy. Chị Tơ Ngôl Thị Nho (sinh năm 1982, xã Đắc Tôi, Nam Giang) cho biết: "Ngày trước, cả nhà cùng đi rẫy mà chỉ đủ ăn. Từ khi được các cán bộ, bộ đội giới thiệu về đây làm, công việc đỡ cực hơn, lại có thêm bạn bè, đồng nghiệp. Thu nhập ổn định giúp gia đình và con cái được đi học". Người lao động tại xưởng làm việc theo giờ hành chính; những người ở xa được hỗ trợ chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, lương trung bình hằng tháng ba triệu đồng/người.

Khi đóng quân tại huyện Nam Giang, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn KT-QP 207 là xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Với đặc thù nguồn nông, lâm sản dồi dào trên địa bàn, nhất là cây lồ ô phát triển tốt, nguồn nhân lực nhàn rỗi. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đũa ở đồng bằng khá nhiều, nhưng kinh phí nhập nguồn nguyên liệu lại tốn kém. Nhận thấy điều đó, Đoàn KT-QP 207 liên kết Hội Người mù TP Đà Nẵng xây dựng xưởng đũa và tiêu thụ sản phẩm. Giám đốc Xưởng gia công chế biến nông lâm sản, Thượng tá Đoàn Đình Thục cho biết: Lúc vừa thành lập xưởng, mọi người đều lo lắng, liệu có "bám trụ" được không. Nhưng bà con làm việc rất nhiệt tình, ai cũng muốn làm thêm để tăng thành phẩm. Lúc đầu, để hoạt động xưởng, Đoàn phải tự chi trả chi phí cho mọi người.

Nhưng giờ, đã có thể "hòa vốn". Nay, những lao động người Cà Tu từ chỗ chưa hiểu về phương thức sản xuất, đã biết chế biến bước đầu từ nguyên liệu cây lồ ô nhập về, cắt khúc, sử dụng máy dập sản xuất đũa. Hội Người mù cử ra ba thợ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn, đào tạo cho các lao động trong thời gian bốn tháng. Mỗi tuần, thành phẩm thô sẽ được chuyển xuống và hoàn thiện ở cơ sở sản xuất đũa tại Đà Nẵng. Chị Tơ Ngôl Thị Nhơn (xã La Dêê) chia sẻ: "Từ khi làm việc ở xưởng, thấy sức lao động bỏ ra thật giá trị. Làm nhiều hưởng nhiều, vì vậy, ai cũng muốn làm được thật nhiều sản phẩm để tăng thu nhập".

Không chỉ giải quyết một phần lực lượng lao động nhàn rỗi nơi đây, tạo thói quen "công nghiệp", ngày làm tám tiếng, tuần làm năm ngày cho các lao động, xưởng còn tạo nguồn thu nhập cho bà con Cà Tu khi khai thác cây lồ ô về cho xưởng. Thời gian tới, xưởng sẽ mở rộng khoảng một héc-ta để đặt thêm máy sấy nông sản cho bà con trong mùa mưa bão, như bắp, lúa, đậu... tránh việc sản phẩm bị hư hại. Đoàn cũng nghiên cứu triển khai máy xay xát để phục vụ bà con. Dự tính, tăng số lao động trên địa bàn lên hơn 20 người.

"Thành công từ cơ sở sản xuất đũa, hy vọng bà con ở các vùng khó khăn, vùng biên giới khác, sẽ có những bước chuyển biến tích cực trong nếp lao động. Chính quyền địa phương và các ban, ngành cần linh động trong việc tìm kiếm các mô hình sản xuất phù hợp, gắn với thế mạnh của vùng, lao động địa phương, gắn kết với mảnh đất nơi mình sinh sống" - Thượng tá Đoàn Đình Thục nhấn mạnh.

BÀI VÀ ẢNH: BÙI THỊ THANH TÂM
Theo nhandan.com.vn