Yên Bái: Cần nhân rộng mô hình cộng đồng tự quản thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Yên Bái: Cần nhân rộng mô hình cộng đồng tự quản thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Lâu nay, việc vứt bừa bãi vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng ngay tại các cánh đồng đã trở thành thói quen của người dân. Điều này đã làm môi trường bị ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật còn sót lại trên các bao bì, chai lọ đựng thuốc.


Hiện nay việc phổ biến những tiến bộ khoa học trong việc phòng trừ sâu bệnh hại đến người dân còn nhiều hạn chế. Đây là nguyên nhân chính làm cho người dân thiếu hiểu biết về phương pháp, kỹ thuật sử dụng an toàn các loại thuốc BVTV như: sử dụng thuốc cấm, thuốc BVTV ngoài danh mục. Ngoài ra, việc không tuân thủ thời gian cách ly sau khi phun thuốc, tình trạng vứt, vỏ bao bì thuốc BVTV bừa bãi sau sử dụng đã gây ô nhiễm nguồn nước, gây ngộ độc cho động vật thuỷ sinh là thực trạng khá phổ biến. Từ đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và ô nhiễm môi trường sống, sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng…


Trước đó tình trạng vứt bừa bãi vỏ bao bì thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ xuống mương diễn ra thường xuyên

 

Để nâng cao nhận thức cho người dân, tháng 5 năm 2013 chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tự quản thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng” thực hiện tại 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh là xã Tân Đồng huyện Trấn Yên và xã Đại Phác huyện Văn Yên (Tỉnh Yên Bái). Dự án đã hỗ trợ 2 xã xây dựng 38 bể chứa (trong đó có 30 bể nhỏ và 8 bể lớn) ngay trên các cánh đồng để chứa chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV. Trạm BVTV ở các huyện đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân về sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng.


Trước khi xây dựng các bể chứa, các hộ dân đã được họp bàn, lựa chọn vị trí phù hợp, dựa theo bản đồ quy hoạch của xã. Điểm xây dựng thuận tiện đường giao thông, phân bố hợp lý, thuận lợi cho bà con nông dân khi tiến hành pha chế, xa nguồn nước, xa khu dân cư, không ảnh hưởng môi trường xung quanh.

 

 
Xã Đại Phác, huyện Văn Yên có diện tích đất nông nghiệp là trên 320 ha trong đó diện tích lúa nước 129 ha, diện tích soi bãi hoa mầu gần 140 ha. Là xã điển hình trong xây dựng nông thôn mới nên trình độ thâm canh cao, việc sử dụng thuốc BVTV cho các loại cây trồng số lượng nhiều so với các nơi khác. Mặc dù vậy, từ trước tới nay, chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng không có chỗ chứa mà chủ yếu vứt tự do ngoài cánh đồng, trên đường đi, nơi pha thuốc, bờ mương, bờ ruộng…Do vậy ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước. Từ khi có mô hình “Cộng đồng tự quản thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng” thì tình trạng này đã thay đổi hoàn toàn. Các hộ dân đã ý thức được những tác hại khi vứt bừa bãi vỏ bao bì thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ xuống mương, xuống ruộng. Từ đó các hộ tự giác vận động lẫn nhau bỏ vỏ bao bì thuốc đã sử dụng vào các bể chứa.


Ông Ngô Văn Tĩnh nông dân thôn 4 xã Đại Phác, huyện Văn Yên cho biết: “Trước đây người dân chúng tôi thường vứt bừa bãi chai lọ, vỏ bao thuốc BVTC trên cánh đồng vì không có chỗ chứa. Bây giờ, sau khi được tập huấn nên đã hiểu tác hại của những loại rác thải độc hại này, đồng thời lại được xây dựng những bể chứa thuận tiện nên chúng tôi đã ý thức được phải thu gom và bỏ chai lọ, vỏ bao thuốc vào đúng nơi quy định”.

 

Không còn tình trạng xả  từ khi mô hình tự quản đi vào hoạt động


Từ khi mô hình tự quản đi vào hoạt động, trên các cánh đồng của xã Đại Phác không còn tình trạng chai lọ, vỏ bao thuốc BVTV vứt bừa bãi nữa. Điều này cũng góp phần tích cực để địa phương thực hiện tiêu chí về môi trường trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.


Ông Hoàng Văn Hải - PCT UBND xã Đại Phác chia sẻ: “thấy được hiệu quả từ mô hình này đối với việc bảo vệ môi trường sống nên trong thời gian tới địa phương chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng thêm nhiều bể chứa hơn nữa để bà con nông dân sử dụng hiệu quả. Từ đó vừa góp sức xây dựng nông thôn mới vừa nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp”.


Tại xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên), tháng 9/2013 xã đã thành lập nhóm tự quản gồm 5 người, có 1 nhóm trưởng và 4 trưởng thôn là thành viên. Nhóm tự quản chịu trách nhiệm phụ trách khu vực, cánh đồng về việc kiểm tra, giám sát khi người dân phun thuốc, số bao bì sau khi sử dụng xong được đưa vào các bể nhỏ. Sau khi các bể nhỏ đã đầy sẽ tiến hành vận chuyển tới các bể lớn để thu gom và tiêu hủy. Thấy sự chuyển biến rõ rệt từ mô hình, trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng tới tất cả các thôn trong xã để từ đó thực hiện tốt tiêu chí số 17 về môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bà Trần Thị Kiều Nhung - PCT UBND xã Tân Đồng cho biết: “Khi đi kiểm tra đồng ruộng, thấy những chai lọ, bao bì thuốc BVTV được bỏ vào đúng nơi quy định; không còn tình trạng vứt bừa bãi dưới mương, dưới ruộng nữa. Mô hình này thực sự đã thay đổi được suy nghĩ và hành động của người dân nên chúng tôi sẽ phấn đấu nhân rộng tới tất cả các thôn để làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân”.


Tuy chỉ mới được triển khai và đi vào hoạt động được gần 1 năm nhưng mô hình “Cộng đồng tự quản thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng” bước đầu đã phát huy hiệu quả khá tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, hội viên và nông dân; nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên rác thải từ chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV không thể tiêu hủy bằng cách chôn hoặc đốt như các loại rác thải thông thường, vì vậy để giảm tác tại với môi trường thì cần có sự quan tâm của các ngành chức năng để tiêu hủy đúng quy trình và đảm bảo an toàn. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường từ thuốc BVTV nói riêng ở nông thôn đã và đang là mối quan tâm xã hội. Do đó, mô hình này cần được phát huy và nhân rộng ra nhiều nơi để hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường sống.

 


Thanh Tiến
Nguồn khuyennongvn.gov.vn