Yên Bái: 10 năm bứt phá
- Thứ hai - 07/10/2019 22:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM của tỉnh Yên Bái. |
Việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở một tỉnh miền núi Yên Bái gặp vô vàn khó khăn, với xuất phát điểm về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội thấp là thách thức lớn đối với các cấp chính quyền và nhân dân các dân tộc.
Trong 157 xã, 23 phường nằm trong Chương trình xây dựng NTM theo QĐ 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì Yên Bái có 81 xã đặc biệt khó khăn, 68 xã thuộc khu vực II, 31 xã thuộc khu vực I.
Phong trào xây dựng NTM ở huyện Lục Yên. |
Với quyết tâm cao của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã huy động tổng lực nguồn vốn xã hội cho xây dựng NTM.
Qua 10 năm đã huy động 23.730,2 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chỉ có 9.556 tỷ, số còn lại do các nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp, HTX và nhân dân đóng góp. Từ đó, tạo ra sức đột phá mới trong việc huy động nguồn vốn đầu tư cho nông thôn, nông nghiệp qua nhiều năm tắc nghẽn.
Công nghiệp hóa SX nông nghiệp xã Đông Cuông. |
Phong trào nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, xây trường học…với tổng diện tích 340 ha. Chỉ có xây dựng NTM mới huy động được sức dân và phong trào người dân hiến đất với trị giá hàng trăm tỷ đồng mà không ai tính toán thiệt hơn. Chính việc làm đó đã có được 7.470 km đường giao thông nông thôn, trong đó kiên cố hóa 2.289 km, mở mới 1.315 km…Tổng kinh phí xây dựng hơn 4.156 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 908,93 tỷ.
Qua những con số đó để chứng minh một chương trình khi đã được người dân hưởng ứng và tích cực tham gia thì sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp trong nhân dân.
Nghề trồng dâu nuôi tằm huyện Trấn Yên. |
Cùng với xây dựng NTM, những năm qua tỉnh Yên Bái thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, đã hình thành nên các vùng SX hàng hóa tập trung, phát huy ưu thế của từng địa phương.
Trong đó phải kể tới vùng bưởi đặc sản Yên Bình, vùng chè Shan ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, vùng cây ăn quả cam, quýt 2.000 ha Văn Chấn, vùng cam sành Lục Yên, vùng trồng dâu nuôi tằm Trấn Yên, vùng tre măng Bát Độ, vùng quế Văn Yên …đã mang lại thu nhập cho người dân hàng ngàn tỷ đồng.
Diện mạo NTM ở Trấn Yên. |
Nhiều sản phẩm nổi tiếng của Yên Bái được xây dựng theo tiêu chuẩn OCOP: Gạo nếp Tú Lệ, cam Lục Yên, cá hồ Thác Bà, mật ong rừng Mù Cang Chải, sơn tra Mù Cang Chải, cao Thiên Y, rượu Bách Chi, du lịch cộng đồng Nậm Khắt và TX Nghĩa Lộ…Những sản phẩm OCOP của Yên Bái vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị văn hóa bản địa đậm đà bản sắc của các dân tộc vùng núi Tây Bắc.
Xây dựng NTM là không chỉ chuyển đổi phương thức SX truyền thống sang SX hàng hóa chất lượng cao mà còn hướng người nông dân thay đổi nhận thức SX theo nhu cầu thị trường. Chính vì điều đó đã nâng cao thu nhập của người dân. Thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2019 ước đạt 29,88 triệu, tăng 19 triệu so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 17,68%...
Ông Trần Thế Hùng - GĐ Sở NN-PTNT Yên Bái: Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu không có điểm cuối, bởi xây dựng NTM là luôn đồng hành với sự phát triển của xã hội. Dự kiến chương trình xây dựng NTM của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn huy động trên 21.000 tỷ đồng, phấn đấu mỗi năm có từ 10 xã trở lên đạt chuẩn NTM, hết năm 2025 toàn tỉnh Yên Bái có 130 xã đạt chuẩn NTM, 2 huyện đạt chuẩn NTM, 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu… |