Yên Bái: 100% xã có hệ thống điện đảm bảo yêu cầu

Yên Bái: 100% xã có hệ thống điện đảm bảo yêu cầu
Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí về điện của Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, 100% số xã có hệ thống điện.
 

Quy hoạch đi trước một bước
 
Yên Bái đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2020, được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 5591/QĐ-BCT ngày 25/9/2012. Quy hoạch này đã cụ thể hóa nhiệm vụ đầu tư phát triển hệ thống điện, nguồn vốn đầu tư và tiến độ thực hiện.
Triển khai quy hoạch trên, ngành điện Yên Bái đã xây dựng dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện lưới quốc gia (197 thôn bản) với tổng mức đầu tư 611,5 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương 85%, vốn đối ứng của địa phương là 15%. Nguồn vốn này đã được UBND tỉnh phê duyệt và được Chính phủ đưa vào chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020.
Bên cạnh đó, việc đầu tư lưới điện nông thôn thông qua triển khai dự án REII sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đã có hiệu quả nhất định.
Với những dự án gốc, tỉnh đã tiến hành đầu tư mới và nâng cấp, mở rộng lưới điện cho 37 xã. Đến nay, đã hoàn thành đóng điện và bàn giao cho Công ty Điện lực Yên Bái với tổng kinh phí khoảng 68,5 tỷ đồng.
Về dự án REII mở rộng, đầu tư mới và nâng cấp lưới điện cho 29 xã đến nay đã hoàn thành đóng điện và bàn giao cho Công ty Điện lực Yên Bái 29/29 xã. Tổng mức đầu tư của dự án REII mở rộng là 5,89 triệu USD, vốn đối ứng 35,7 tỷ đồng.
Như vậy, trong các năm 2012, 2013 ngành điện Yên Bái đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng cho lưới điện. Ngoài ra còn có một số nguồn vốn khác lồng ghép thực hiện đầu tư phát triển lưới điện nông thôn
Bán điện trực tiếp đến hộ dân
Lưới điện nông thôn tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh hầu hết đã bàn giao cho Công ty Điện lực Yên Bái tổ chức quản lý, kinh doanh điện. Tính đến tháng 4/2014, Công ty Điện lực Yên Bái đã tiếp nhận được 159/159 xã và bán điện trực tiếp đến hộ dân.
Sau khi tiếp nhận quản lý, kinh doanh điện nông thôn, Công ty Điện lực Yên Bái đã tổ chức ký kết hợp đồng mua bán điện trực tiếp với các khách hàng sử dụng điện đạt tỷ lệ 100% đồng thời tiến hành thay thế công tơ tại khu vực mới tiếp nhận đạt tỷ lệ 98%.
Công ty Điện lực Yên Bái tái sử dụng nguồn lực lao động của các tổ chức bán điện nông thôn trước đây (HTX) thực hiện nhiệm vụ kinh doanh bán điện theo hình thức dịch vụ bán lẻ điện năng trên địa bàn với 135 tổ dịch vụ (lượng người tham gia trên 350 người). Tính đến tháng 4/2014, việc thực hiện chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) trên địa bàn quản lý về cơ bản đã hoàn thành,  phục vụ bán điện trực tiếp đến gần 148.300 hộ dân nông thôn.
Thực hiện Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn về tiêu chí số 4 trên địa bàn tỉnh, đến nay có 97 xã đạt tiêu chí số 4 (chiếm 63,8%), trong đó có 152/152 xã đạt tiêu chí 4.1; 97/152 xã đạt tiêu chí 4.2 - tỷ lệ hộ sử dụng thường xuyên an toàn từ các nguồn (chiếm 63,8 %). Ngành điện Yên Bái phấn đấu hết năm 2014, số xã đạt tiêu chí số 4 tăng lên 76%, năm 2015 đạt 85%.
Khắc phục khó khăn qua công tác tuyên truyền
Yên Bái là tỉnh miền núi, trình độ dân trí, đời sống đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa còn có nhiều khó khăn, tập tục sinh hoạt lạc hậu, thu nhập của người dân chủ yếu từ nông nghiệp, còn có những xã Nhà nước phải hỗ trợ nên tỷ lệ hộ sử dụng điện còn thấp, đặc biệt tại 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải. 
Điện đã đến 159/159 xã của tỉnh Yên Bái nhưng một số xã vùng cao chỉ cấp điện được đến trung tâm, số thôn bản nằm quá xa trung tâm nên chưa có điện. Bên cạnh đó còn một số xã lưới điện đầu tư xây dựng đã lâu, xuống cấp. Vì vậy, tỷ lệ hộ sử dụng điện còn chưa cao.
Nhằm hạn chế, khó khăn và tồn tại trong quá trình triển khai, Sở Công Thương Yên Bái sẽ làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; thấy được tầm quan trọng của chương trình; tự nguyện ủng hộ và tham gia xây dựng các công trình trên địa bàn thôn, bản, xã. Nhân dân tích cực đóng góp sức lao động, hiến đất tạo hành lang lưới điện, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện nông thôn, xây dựng hệ thống lưới điện đạt tiêu chuẩn và đảm bảo an toàn lưới điện.
Bên cạnh đó, việc tranh thủ sự hỗ trợ của TW, huy động được các nguồn lực khác cùng đầu tư.
Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng các công trình, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, cần có sự phân công đăng ký nhiệm vụ đối với từng tổ chức, từng ngành; tăng cường kiểm tra đôn đốc, đánh giá phân loại...
Chú trọng tập huấn nghiệp vụ về công tác lập quy hoạch xây dựng và quản lý theo quy hoạch, đặc biệt tập huấn cho cán bộ chuyên môn trực tiếp của ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các xã trên địa bàn tỉnh.
Thăng Long
Nguồn baocongthuong.com.vn