Yên Than: Phát huy thế mạnh cây dược liệu

Yên Than: Phát huy thế mạnh cây dược liệu
Xã Yên Than (Tiên Yên - Quảng Ninh) bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với muôn vàn gian khó khi địa hình rộng lại bị chia cắt và trên 75% dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức chưa đồng đều, sản xuất tự phát, manh mún. Tuy nhiên, bằng sự đồng thuận, nỗ lực của chính quyền và nhân dân, đến nay, xã đã đạt được những kết quả rất khả quan.

Ong Nguyễn Cao Khải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Than cho biết, khi mới triển khai thực hiện Chương trình XDNTM (cuối năm 2010), xã mới đạt 3/19 tiêu chí; ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, thu nhập của người dân còn thấp. “Để chương trình đạt được kết quả ngay từ khi triển khai, chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý thực hiện chương trình, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của chương trình cũng như quyền lợi và trách nhiệm của mình. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ và nhân dân có sự chuyển biến tích cực, XDNTM đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các thôn, xóm; nhân dân không ngại đóng góp tiền của, ngày công để thi công các công trình hạ tầng. Tính đến tháng 6/2015, chúng tôi đã huy động được 2,671 tỷ đồng từ sự đóng góp của nhân dân để làm đường giao thông, công trình thủy lợi, nhà văn hóa thôn”, ông Khải cho biết.

Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình XDNTM, đến nay, diện mạo nông thôn xã Yên Than đã có nhiều thay đổi: 100% đường trục chính liên thôn, xã; 80% đường giao thông nội đồng đã được cứng hóa; không còn đường nhỏ, lầy lội vào mùa mưa; kênh mương được đầu tư nâng cấp; hệ thống trường học, trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nếu như năm 2010 thu nhập bình quân mới đạt 6,5 triệu đồng/người thì nay đã đạt 23 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,26%;chỉ trong năm 2016 đã huy động các nguồn lực xây dựng hoàn thành 16 ngôi nhà, giảm số nhà tạm từ 42 (năm 2015) xuống còn 26 (cuối năm 2016). Xã đã đạt 14/19 tiêu chí NTM (theo tiêu chí mới), dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành chương trình.

Để huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là sự chung sức của nhân dân, Đảng uỷ xã đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể chính trị trong xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ theo đúng phương châm “rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ”, phân công từng thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp phụ trách các thôn và báo cáo kết quả cụ thể theo từng tháng. Nhờ đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh đạt nhiều chuyển biến rõ rệt.

Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí khó, chính quyền xã Yên Than đã vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 12/11/2015 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tiên Yên về phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp huyện giai đoạn 2015- 2020, từ giữa năm 2015, xã đã đưa vào trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu (cà gai leo, giảo cổ lam và dây thìa canh) tại 2 thôn Đồng Tâm và Pạc Sủi với 6 hộ đăng ký tham gia trồng gần 8.000m2. Trong đó, 2 loại cây cà gai leo và dây thìa canh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên phát triển tốt. Bà Nguyễn Thị Biên, thôn Đồng Tâm, chia sẻ: “Khi xã vận động các hộ dân trồng thử nghiệm cây dược liệu, gia đình tôi đã dành ra 200m2 đất trồng cây dây thìa canh. Tuy diện tích trồng không lớn nhưng qua một vụ thu hoạch tôi thấy cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với những cây trồng trước đây, lại được công ty thu mua trực tiếp, không mất công đoạn sơ chế, đầu ra sản phẩm ổn định nên chúng tôi rất yên tâm”.

Ông Nguyễn Cao Khải cho biết thêm: “Với kết quả tích cực đạt được từ năm 2015, Đảng uỷ xã đã xác định trồng cây dược liệu là một trong những hướng đi chính trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 19 hộ dân đăng ký trồng mới với diện tích dự kiến trên 2ha. Theo đó, Đảng uỷ xã giao cho đồng chí Phó chủ tịch UBND xã trực tiếp phụ trách chỉ đạo việc nhân giống cây để hỗ trợ người dân mua giống rẻ hơn so với giá bán của công ty cung cấp giống, tạo cơ sở thúc đẩy người dân mở rộng quy mô sản xuất. Để chủ động trong bao tiêu sản phẩm cho nhân dân, xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH nuôi trồng và chế biến Dược liệu Đông Bắc và đã thành lập hợp tác xã sản xuất cây dược liệu nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ”.

Cùng với trồng cây dược liệu, phát triển kinh tế rừng, mô hình nuôi gà Tiên Yên, nuôi dê, nuôi ong lấy mật cũng được triển khai rộng rãi. Đến nay, rất nhiều hộ dân trong xã tiến hành nuôi gà Tiên Yên, với 1 dự án, tổng số gà 4.500 con, nhiều hộ nuôi 150-200 con, tuy số lượng đàn chưa lớn song đã tạo được định hướng cụ thể, giúp người dân từng bước nắm vững kỹ thuật chăn nuôi để chủ động đầu tư, xây dựng các mô hình gia trại, trang trại trong thời gian tới.

Với những giải pháp sát với thực tế địa phương, sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, chắc chắn Yên Than sẽ về đích NTM đúng hẹn.

                   Theo Thủy – Nghĩa/ Kinhtenongthon