Sau ba năm xây dựng nông thôn mới ở Ðông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Thu nhập của người dân nông thôn tăng 10%

Ngày 24-3, tại TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng), Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) tổ chức sơ kết ba năm thực hiện Chương trình tại khu vực Ðông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư, chủ trì hội nghị.

Thay mặt Ban Chỉ đạo T.Ư, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những kết quả mà các tỉnh, thành phố trong các khu vực đã đạt được. Phó Thủ tướng cho rằng, công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện chương trình được các cấp chỉ đạo tích cực, nhân dân đồng tình ủng hộ, thật sự trở thành phong trào sâu rộng trong các xã. Ðến cuối năm 2013, bình quân các xã khu vực Ðông Nam Bộ đạt 9,72 tiêu chí NTM, vùng duyên hải Nam Trung Bộ đạt 7,75 tiêu chí và Tây Nguyên đạt 7,3 tiêu chí. Trong đó, có 42 xã trong các khu vực đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM; tổng kinh phí huy động cho xây dựng NTM đạt khoảng 141 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động từ cộng đồng dân cư đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng. Sau ba năm thực hiện chương trình, đời sống người dân nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân tăng 10%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%.

Tại buổi sơ kết, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình: một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến chương trình, các mô hình sản xuất mới, hiệu quả chưa mang tính phổ biến, nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt được, tình trạng di dân tự do còn phức tạp... Ðể chương trình MTQG xây dựng NTM trong thời gian tới đạt kết quả tốt, Phó Thủ tướng đề nghị: Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quyết tâm cao, vận động được nhân dân vào cuộc, phát huy dân chủ cơ sở; vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của T.Ư vào thực tiễn địa phương; quan tâm dành nguồn lực đầu tư xây dựng NTM; rà soát, hoàn thiện các quy hoạch và gắn kết giữa các quy hoạch trong xã, với huyện, tỉnh; cần nhìn rộng ra cả nước để xây dựng quy hoạch sản xuất phù hợp, đồng thời gắn với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp; quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, biết phát huy lợi thế của từng địa bàn... Trong công tác chỉ đạo chương trình, các địa phương cần thực hiện thường xuyên, liên tục, bền bỉ và vững chắc; ngoài triển khai ềđiểmể phải tiến hành triển khai theo ềdiệnể, không chạy theo thành tích, nâng cao đời sống của người dân.

PV
Nguồn nhandan.org.vn