Hỗ trợ phát triển nông nghiệp ở quận Long Biên (Hà Nội): Hình thành các khu sản xuất chuyên canh

Hỗ trợ phát triển nông nghiệp ở quận Long Biên (Hà Nội): Hình thành các khu sản xuất chuyên canh
Trong những năm qua, nhất là trong năm 2012, quận đã hỗ trợ các phường tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu đã hình thành các khu vực sản xuất tập trung theo hướng chuyên canh...

 

Xây dựng vùng rau, quả an toàn

Quận Long Biên hiện vẫn có 10/14 phường còn sản xuất nông nghiệp. Cự Khối là một trong những phường trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của quận Long Biên, trong đó nổi bật nhất là cây ăn quả (ổi, táo). Diện tích trồng cây ổi, táo toàn phường hiện có tới hơn 200ha, sản lượng quả bán ra thị trường năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2010, sản lượng cây ăn quả đạt 2.100 tấn thì năm 2012 sản lượng tăng lên tới 3.860 tấn. Tuy sản phẩm làm ra tiêu thụ tự phát, nhưng giá trị sản xuất trên cùng 1 diện tích gấp tới 3-4 lần làm màu truyền thống.

Ổi là cây trồng mang lại thu nhập cao cho nông dân phường Cự Khối (Long Biên, Hà Nội).

Ông Ngô Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND phường Cự Khối cho biết: "Hiện nay, cây lúa đã bị xóa sổ nhường đất cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó tập trung mang tính hàng hóa cao vẫn là cây ăn quả. Đây chính là kết quả rõ nét trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chủ trương của quận…".

Theo ông Nguyễn Văn Vinh - Trưởng phòng Kinh tế quận Long Biên, năm 2012, kế hoạch của quận chuyển đổi hơn 92,4ha cây trồng tại 8 phường. Đến cuối năm, các phường đã tổ chức chuyển đổi được 96,6ha, đạt 105% kế hoạch, trong đó phường Long Biên vượt 223%; Giang Biên vượt 128% và Thượng Thanh vượt 100% kế hoạch. Ngoài ra, với tác động của phong trào, các hộ dân đã tự chuyển đổi được hơn 13,4ha, đưa tổng diện tích chuyển đổi cây trồng năm 2012 trên toàn quận lên 110ha.

Ông Vinh khẳng định: "Việc phê duyệt vùng sản xuất nông nghiệp của từng phường và phương án chuyển đổi cây trồng, tập trung vào một số loại cây trồng chính như ổi, nhãn muộn, chuối tiêu hồng, bước đầu đã hình thành các khu vực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; khuyến khích dồn điền đổi thửa; hạn chế diện tích đất để hoang…

Gắn với dịch vụ du lịch sinh thái

Nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn, những năm qua, nhất là trong năm 2012, quận Long Biên đã có nhiều chính sách hỗ trợ các phường trên địa bàn, trong đó tập trung vào hỗ trợ giống cây trồng và giếng khoan bơm nước tưới. Tổng số tiền quận hỗ trợ cho các phường chuyển đổi cây trồng năm 2012 ước đạt hơn 2 tỷ đồng, chưa kể nguồn kinh phí hỗ trợ đặc thù tại 2 phường Cự Khối, Ngọc Thụy là 983,5 triệu đồng. Việc làm này đã tạo đà cho các phường thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng gắn với dịch vụ du lịch sinh thái.

Ông Ngô Văn Nam chia sẻ: "Địa phương sẽ xây dựng vùng cây ăn quả an toàn gắn với phát triển du lịch sinh thái, khai thác tuyến giao thông Hà Nội - Bát Tràng -Hưng Yên và tuyến du lịch sông Hồng, trong đó có việc xây dựng khu vui chơi giải trí kết hợp với tham quan vùng quả…".

Ông Nguyễn Văn Vinh cho biết, căn cứ vào kết quả năm 2012, quận đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng năm 2013, tập trung tại khu vực bãi sông Hồng. Kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên địa bàn quận Long Biên năm 2013 bao gồm: Tổ chức chuyển đổi 58ha cây ăn quả, hoa cây cảnh các loại trên địa bàn các phường Phúc Lợi, Ngọc Thụy, Giang Biên, Thượng Thanh, Thạch Bàn, Việt Hưng, Long Biên và Bồ Đề; duy trì 17ha rau an toàn tại phường Giang Biên, Thượng Thanh, Cự Khối; xây dựng vùng chuối an toàn và phương án hỗ trợ đặc thù tại phường Giang Biên, Ngọc Thụy; triển khai phương án hỗ trợ đặc thù tại phường Cự Khối; tổ chức thực hiện vùng sản xuất hoa đào tại phường Long Biên…