Trà Vinh: Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 31/07/2013 04:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với mục tiêu trở thành tỉnh công - nông nghiệp hướng hiện đại vào năm 2020, Trà Vinh đã chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), khôi phục, phát triển nghề và làng nghề gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Trà Vinh là tỉnh đi lên từ nông nghiệp nên việc phát triển công nghiệp còn nhiều khó khăn. Hiện nay, việc triển khai thực hiện các chính sách đáp ứng mục tiêu công- nông nghiệp hướng hiện đại, trong đó nhiệm vụ đào tạo nhân lực được đặc biệt quan tâm. Các sở, ngành đã xác định được tiềm năng, thế mạnh của nguồn nguyên liệu sẵn có như: lác, tre, trúc, lục bình, dừa… và nguồn lao động dồi dào, nhất là ở nông thôn.
Do đó, các chương trình, đề án khuyến công của Trà Vinh đã hướng tới việc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất CN-TTCN theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trung tâm Khuyến công đã tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề như: lớp đan giỏ nhựa, đan chậu lục bình, lớp đan đĩa lục bình bính 4…các học viên được đào tạo tại các cơ sở doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh. Sau khi kết thúc đào tạo, hầu hết các học viên đều tự làm ra các sản phẩm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và 100% lao động được nhận vào làm việc tại đơn vị phố hợp tổ chức đào tạo. Hoạt động này đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn, nhất là lao động nữ và lao động là dân tộc Khmer, với thu nhập ổn định và bình quân 1,8 – 2,6 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là đối với những đề án, dự án có quy mô lớn. Mặc dù hàng năm, Trà Vinh vẫn duy trì 2 nguồn kinh phí chính để thực hiện công tác khuyến công: vốn địa phương, do UBND tỉnh cấp và nguồn vốn quốc gia do Bộ Công Thương giao, đây cũng là nguồn động viên các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn trong địa bàn tỉnh bên cạnh đó cũng hỗ trợ được phần nào cho công tác đào tạo nghề theo nhu cầu nhằm giảm khó khăn và ổn định sản xuất cho doanh nghiệp.
Từ nhu cầu thực tế, theo dự kiến đến cuối năm 2013, trung tâm sẽ tổ chức thêm 10 lớp đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để giải quyết thời gian nông nhàn và lao động chưa có việc làm tại các vùng nông thôn, đặc biệt là các xã đang triển khai thực hiện chương trình XDNTM.
Theo baocongthuong.com.vn