An Nhiên - yên bình một miền quê
- Thứ bảy - 22/02/2020 20:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhất cận thị, nhì cận giang
Nói về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất An Nhiên - Hạ Hoàng mà tên gọi hành chính là xã Thạch Hạ, xưa thuộc Thạch Hà, nay thuộc TP Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sông Hàn nhiều lần nhắc đi nhắc lại thế mạnh của một vùng sông nước “nhất cận thị, nhì cận giang”.
Bến đò Hạ Vàng nơi ghi dấu lịch sử hình thành xã Thạch Hạ
Theo Địa chí Thạch Hà (NXB Chính trị quốc gia - 2015, trang 62, 63, 64), sông Hà Hoàng chảy quanh co trên dải đất trũng thuộc 2 huyện Can Lộc và Thạch Hà, có đến 7 tên gọi, tùy thuộc các vùng đất sông chảy qua: Phúc Thủy, sông Cài, sông Hà Vàng, sông Nghèn, sông Thuần Chân, Kênh Cạn và đoạn cuối cùng là Hộ Độ. Sông Hộ Độ (vì chảy ra Cửa Sót nên có người gọi là sông Sót), đoạn cuối của Hà Hoàng khi chảy cắt ngang tỉnh lộ 9 đã tạo ra một bến đò ngang rất lớn là bến đò Hộ Độ, sau này được xây dựng thành cầu Hộ Độ.
Một góc khu dân cư kiểu mẫu Tân Lộc...
Bên bờ Nam sông Hộ Độ là xã Thạch Hạ, vùng đất được hình thành hơn 550 năm. Theo nhiều tài liệu, xã Thạch Hạ trước năm 1945 là vùng đất thuộc làng Yên (An) Nhiên và Hạ Hoàng thuộc tổng Thượng Nhất. Sau Cách mạng tháng 8/1945, sáp nhập các làng Hạ Hoàng, Yên Nhiên, Văn Giáp và Nhân Hòa để lập nên xã Quang Lịnh. Đến năm 1954 thì xã Quang Lịnh chia thành 3 xã: Thạch Thượng, Thạch Trung và Thạch Hạ (thuộc huyện Thạch Hà).
... khu dân cư Tân Học
Năm 2004, xã Thạch Hạ sáp nhập về TX Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh). Từ các cồn đất nổi lên giữa vùng sông nước, cư dân dân vạn chài đã dựng lều mưu sinh, dần dần lập nên xóm làng. Nghề chính của họ là chài lưới, làm nông. Do gần biển nên đất đai nhiễm mặn, người dân phải chung sức đắp đê ngăn mặn để trồng trọt và chăn nuôi. Khi dân làng về quần cư ở đây thì các dòng họ cũng hình thành như họ Võ Tá, họ Nguyễn Đăng…
Họ Võ Tá Hà Hoàng từng được coi là “Hà Hoàng thế tướng” lừng lẫy trong suốt 180 năm triều Hậu Lê với những truyền ngôn nổi tiếng như “Lính Nghệ An - Gan Thạch Hà” hoặc “Trảo Nha chi Ngô - Hà Hoàng chi Võ”. Các vị quan Quận của dòng họ Võ Tá đã có nhiều công lao đóng góp cho đất nước, được nhân dân ca ngợi và lưu truyền.
Ghi nhận công lao của các vị Quận công, Tạo sỹ, triều đình đã cho xây dựng miếu thờ và ban tặng nhiều sắc phong, tước lộc. Bến đò Hạ Vàng (hiện ở vị trí Quán Gió) bên sông trở thành nơi giao thương buôn bán của cả một vùng rộng lớn thuộc lưu vực Hà Hoàng - Cửa Sót.
Giữ gìn nét đẹp văn hóa làng
Đời nối đời, những người dân chất phác ven sông Hộ Độ đã cần cù lao động để xây đắp, tô đẹp xóm làng. Với vị trí cửa ngõ Đông Bắc của TP Hà Tĩnh, có nguồn sống dồi dào từ sông nước và tính chất “cận thị”, Thạch Hạ trở thành nơi “đất lành chim đậu”. Những cái tên Đông Đoài, Thượng, Trung, Hạ, Liên Hà, Liên Thanh, Liên Nhật, Minh Tiến, Minh Yên, Tân Lộc, Tân Học dần hình thành. Người dân sống hiền lương, đoàn kết, yêu thương nhau, tốt đời đẹp đạo, hòa mình vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Đường về Thạch Hạ
Khi TP Hà Tĩnh phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận góp sức của người dân, Thạch Hạ đã bứt phá đi lên. Liên Nhật, Liên Hà, Tân Lộc rồi Liên Thanh trở thành những thôn đi đầu.
Về các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu hôm nay, nhìn những con đường đẹp như tranh, những ngôi nhà cao tầng đủ kiểu dáng, màu sắc bên cạnh ruộng đồng và đầm phá ven sông, nghe tiếng chuông nhà thờ xứ An Nhiên, nhà thờ họ Hoàng Yên, người ta cảm nhận một không gian thật yên bình mà sống động.
Trong câu chuyện về xây dựng xã nông thôn mới trên nền tảng văn hóa, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sông Hàn tâm đắc vì địa phương đã thống nhất quan điểm: “Mới nhưng không làm mất đi cái cũ” và lên kế hoạch rất cụ thể để gìn giữ nét đẹp văn hóa vùng miền vì “nếu đánh mất nét văn hóa ấy thì Thạch Hạ không còn là Thạch Hạ mà là xã khác”.
Anh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện Quỹ An sinh xã hội ở các thôn, đặc biệt là ở thôn Thượng, người dân đã vận động, kêu gọi 100 triệu đồng để giúp đỡ một gia đình có người bị trọng bệnh. Tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau là nét đẹp của cha ông ngàn đời đã được gìn giữ.
Con đường phát triển du lịch - ẩm thực đang dần được hoàn thiện
Với tâm nguyện tha thiết, người dân đã đóng góp công sức và xây dựng, tôn tạo 2 nhà thờ và di tích lịch sử văn hóa nhà thờ họ Võ Tá - miếu Quan Quận. Thôn Tân Lộc đã tôn tạo miếu thờ thành hoàng làng, thôn Tân Học đang quá trình phục dựng. Các thôn khác trong quy hoạch đều có xây dựng giếng làng để giữ vẻ đẹp “cây đa, bến nước, sân đình”. Riêng thôn Liên Thanh đã hoàn thành giếng làng ở cuối thôn, tạo cảnh quan đẹp, đảm bảo sinh thái cho người dân.
Có lẽ, nhờ luôn luôn coi trọng các giá trị văn hóa, nhất là ứng xử giữa người với người mà dù rất năng động và đổi mới, song nét chất phác, hiền lương của người dân nơi đây vẫn không bị mất đi. Dù chỉ họp một buổi, gần thành phố song chợ Thạch Hạ không thiếu sản vật gì, nhất là thực phẩm. Đặc biệt, tôi rất thích vẻ chất phác của cả người bán lẫn người mua ở khu chợ này.
Quy hoạch gắn với tăng trưởng “xanh”
Trở lại câu chuyện “nhất cận thị, nhì cận giang”, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sông Hàn cho tôi biết thêm: Xã đã rất chú trọng quy hoạch trên cơ sở thực tiễn của làng, giữ vẻ đẹp của làng, làm sinh động nông thôn mới Thạch Hạ. Chính vì vậy, Thạch Hạ đã làm quy hoạch các khu sinh thái và ẩm thực biển dựa vào tính chất “cận thị”, “cận giang”.
Hiện nay, quy hoạch khu ẩm thực đã được phê duyệt, nhà hàng Chương II đã đi vào hoạt động. Con đường du lịch ẩm thực - sinh thái đang hoàn thiện. Đường làm đến đâu, cây xanh và hoa trồng đến đó. Năm 2020, xã sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Nam Cầu Cày với con đường du lịch ẩm thực sinh thái nhằm thu hút đông đảo du khách đến với bờ nam sông Hộ Độ, thưởng thức hải sản trong các nhà hàng sinh thái, hình thành các resort nghỉ dưỡng.
Nhiệm kỳ 2020-2025, xã phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Lộ trình ấy đang được từng bước hiện thực hóa với nỗ lực không ngừng của hệ thống chính trị và mỗi người dân nơi đây.
Theo: Bùi Minh Huệ/baohatinh.vn