Bài 2: Bóng dáng những cánh đồng mẫu
- Thứ hai - 25/06/2012 20:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Manh nha một hình thức sản xuất mới
Đến cánh đồng mẫu BTE1 tại xã Song Lộc (Can Lộc) những ngày cận kề thu hoạch không ai là không trầm trồ thán phục bởi sự đầy đặn của cánh đồng. Những bông lúa xếp chồng lên nhau thành từng lớp, từng lớp trĩu nặng, vàng rực trải dài mênh mông. Ông Nguyễn Xuân Nghị, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Vì mới được tiếp cận lần đầu nên xã đã chủ động khuyến khích mọi người chủ động tham gia mô hình. Sau khi gom đủ ruộng, CĐM được triển khai trên diện tích 10 ha. Mặc dù ruộng nhà nào nhà nấy làm, lúa nhà nào nhà nấy thu nhưng khi thực hiện CĐM chúng tôi được cùng làm một giống, cùng thời vụ và cùng kỹ thuật gieo cấy nên năng suất, chất lượng đạt cao, trong khi lúa lại ít bị ảnh hưởng của ngoại cảnh và sâu bệnh. Nhất là sự liền vùng, liền khoảnh tạo cho tiến độ thu hoạch rất nhanh và tiện lợi”. Với triển vọng hình thành một nền sản xuất lớn, vụ đông xuân 2011- 2012 huyện Can Lộc đã mạnh dạn tiên phong đầu tư 7 cánh đồng mẫu lớn, đồng thời hình thành thêm 8 cánh đồng tại các xã. Theo chúng tôi được biết, dù mới chỉ vụ đầu tiên áp dụng phương thức sản xuất mới nhưng năng suất trung bình của giống BTE1 đạt xấp xỉ 70 tạ/ha và QR1 đạt trên 55 tạ/ha. Kết quả đó đã làm nức lòng người nông dân, càng tạo cho họ càng thêm tin tưởng vào sự đổi mới.
Bước đầu, toàn tỉnh đã hình thành khoảng gần 10 mô hình cánh đồng mẫu có quy mô từ 5- 10 ha tại một số địa phương như: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ. Một tín hiệu đáng mừng là phần lớn các mô hình đã phát huy hiệu quả, tiến tới sự làm ăn lớn. Ông Nguyễn Đức Thục, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh cho biết: “Vụ đông xuân này, Trung tâm thực hiện CĐM giống lúa ĐTL 2 với diện tích hơn 5 ha tại xã Thạch Tân (Thạch Hà). Qua thử nghiệm thì áp dụng CĐM tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều tiết nước, công chăm sóc và hạn chế sâu bệnh nhờ giảm được sự chênh lệch giữa các trà lúa. Trong tương lai, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cơ giới hóa thì việc nhân rộng mô hình CĐM sẽ tăng tiềm năng năng suất cho các loại giống lúa, đồng thời rút ngắn khoảng cách về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất. Qua đó, chuỗi giá trị về hiệu quả kinh tế cũng tăng theo”.
Cánh đồng mấu BTE1 tại xã Kim Lộc (Can Lộc) cho năng suất vượt trội trong vụ đông xuân |
Điểm nhấn của vụ hè thu 2012 chính là cánh đồng mẫu lớn 400 ha chỉ sử dụng duy nhất một giống lúa VTNA2 tại xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) với sự tham gia trực tiếp từ khâu cung ứng giống đến bao tiêu sản phẩm của Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Tuy trước mắt vẫn còn đầy rẫy những khó khăn song rõ ràng mô hình liên kết nông dân- doanh nghiệp đang mở ra hướng phát triển sản xuất tất yếu trong tương lai.
Doanh nghiệp đóng vai trò chủ công
Trên thực tế CĐM là hình thức sản xuất theo lối liên kết “4 nhà”, trong đó cốt lõi là nông dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn như mô hình giống lúa VTNA2 tại xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), Tổng công ty CP VTNN Nghệ An đứng ra liên kết khép kín với nông dân bằng cách cung ứng và cho hộ sản xuất nợ tiền mua giống sản xuất, chi phí sẽ được khấu trừ tại khâu bao tiêu sản phẩm sau kỳ thu hoạch. Như vậy, người dân hoàn toàn yên tâm về giống, kỹ thuật canh tác và nhất là giảm được gánh nặng đầu ra cho sản phẩm của mình khi các khâu tiêu thụ trung gian được cắt giảm. Nói là vậy nhưng vẫn còn muôn vàn cái sự “bó cái khôn”! Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ mới ở quy mô 5- 10 ha, mỗi cánh đồng mẫu cũng phải gom ruộng đất của đến cả chục hộ sản xuất, như vậy sự ăn chia lợi nhuận sẽ khó tránh khỏi sự rườm rà, thiếu chặt chẽ. Đó là chưa kể lúc mở rộng mô hình thì còn phải đòi hỏi sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, liền vùng liền thửa của vùng sản xuất. Ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Trước nay, bà con ta đã quen tay làm ăn theo lối cá thể và manh mún, khi tiếp cận với lối sản xuất liên kết thì buộc người tham gia phải tuân thủ quy trình canh tác và các nguyên tắc ràng buộc của CĐM. Điều này chưa thực sự thuận lợi vì dẫu sao nhận thức và trình độ kỹ thuật canh tác của người nông dân chưa đồng đều, ngay cả lực lượng nòng cốt tại địa phương cũng không tránh khỏi lúng túng, bỡ ngỡ với hình thức sản xuất quy mô lớn. Thêm vào đó, việc kết nối với thị trường vẫn còn tồn tại hiện trạng “mạnh ai nấy làm”, gây khó khăn cho đầu ra của sản phẩm, trong khi hiện nay không phải doanh nghiệp nào cũng đủ mạnh để bao tiêu với số lượng lớn”.
Tổng công ty CP VTNN Nghệ An cam kết bao tiêu sản phẩm VTNA2 sau thu hoạch hè thu tại cẩm xuyên |
Cũng theo ông, muốn để CĐM thực sự lớn thì doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ công, tức là doanh nghiệp đứng ra thiết kế đầu ra, đầu vào trước khi xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản phẩm. Trong đó, quan trọng nhất là cần phải khuyến khích, tranh thủ sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, trong quá trình thực hiện thí điểm, các bên sẽ cùng nhau rút kinh nghiệm để gắn phát triển CĐM với sản xuất lúa hàng hóa và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.
Nguyễn Oanh
Báo Hà Tĩnh