Bí quyết Hà Tĩnh thu ngân sách gần 12.000 tỷ đồng
- Thứ hai - 26/01/2015 23:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tìm hiểu Hà Tĩnh đã làm và làm như thế nào để có được kết quả trên, NNVN có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Sơn (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh
Quyết sách đúng Ông có thể khái quát đôi nét về Hà Tĩnh? Hà Tĩnh là tỉnh có đặc thù về địa hình, địa lý, thời tiết khắc nghiệt nên mọi cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội đều gặp không ít khó khăn.
Nhìn chung, cuộc sống người dân còn nhiều vất vả, SXNN manh mún, nhỏ lẻ. Về công nghiệp chưa có gì nổi bật nên nguồn thu ngân sách những năm đầu mới chia tách tỉnh (1991-1995) chỉ đạt từ 200 - 300 tỷ đồng, đến những năm 2005 - 2010 cũng mới nhích lên được trên dưới một ngàn tỷ đồng, do đó sự nghiệp phát triển KT-XH còn hạn chế.
Nhưng với ý chí và nghị lực, sự đoàn kết Đảng với dân một lòng, cộng với bản tính người Hà Tĩnh luôn chịu thương, chịu khó nên đã vượt lên tất cả.
Với những khó khăn như ông đã nói trên, để có được sự phát triển mạnh như hôm nay, Hà Tĩnh đã làm gì và làm như thế nào?
Trong những năm qua và cụ thể nhiệm kỳ 2010 - 2015, chúng tôi đã có những quyết sách đúng đắn. Đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ kịp thời phê chuẩn quy hoạch tổng thể, trong đó có quy hoạch ngành, vùng, lãnh thổ… Từ đó, Hà Tĩnh đã có chiến lược, chủ trương mang tính đột phá để phát triển KT-XH.
Đồng thời tiếp tục phát triển các khu kinh tế trong đó khu kinh tế Vũng Áng là 1 trong 8 khu kinh tế lớn của cả nước, có sự đầu tư kịp thời, hiệu quả của các tổ chức kinh tế nước ngoài như: Tập đoàn Formosa Đài Loan, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, nhà máy luyện thép công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á…
Tiếp nối công nghiệp là nông nghiệp. Ngay từ bước đầu chúng tôi đã quan tâm đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả như phát triển các DN, HTX, nhất là phát triển mô hình kinh tế, trang trại liên doanh, liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa DN với nông dân để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, giá trị hàng hóa trong cơ cấu đổi mới nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Năm 2014, Hà Tĩnh thu ngân sách đạt 12 ngàn tỷ đồng, ông có thể nói về “độc chiêu” này?
Nói về thu ngân sách, đây là nhiệm vụ hàng đầu mà đại hội Tỉnh đảng bộ, HĐND nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra.
Trong đó, thu ngân sách 2013 là 4.500 tỷ đồng, mục tiêu 2014 lên 7.500 tỷ thế nhưng chúng tôi đã vượt kế hoạch một cách khá thuyết phục khi thu ngân sách đạt gần 12.000 tỷ đồng.
Điều này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến mỗi cán bộ ở các ngành, các cấp phải xem nhiệm vụ thu ngân sách là việc làm hàng đầu, riêng đối với ngành thuế, xây dựng các bộ thuế luôn phải đúng và phù hợp với các đối tượng.
UBND tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp như vận động nộp thuế đúng và đủ, thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, truy thu thuế đối với những DN thiếu trách nhiệm… Tất cả các chủ trương chính sách đều được sự đồng tình cao của nhân dân và DN, kể cả những DN nước ngoài kinh doanh trên địa bàn đều chấp hành nghiêm túc và triệt để.
Năm 2014 quả là một năm đại thắng, bước sang năm 2015 Hà Tĩnh sẽ phấn đấu như thế nào, thưa ông? Phát huy những kết quả đạt được từ năm 2014, năm 2015 Hà Tĩnh chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, phấn đấu thu ngân sách đạt 14.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 24%; GDP bình quân/người trên 40 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5%-2%; phấn đấu có ít nhất 23 xã đạt chuẩn NTM và không còn xã dưới 7 tiêu chí. Đặc biệt, khu kinh tế Vũng Áng đã có nguồn thu khá lớn đối với thuế XNK, còn thuế thu trong nội địa cũng vượt trên 5 ngàn tỷ đồng. Có được thành quả đáng kể trên là nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND cùng với sự đồng thuận cao của nhân dân trong toàn tỉnh.
Đột phá trong xây dựng NTM Thu ngân sách giỏi, làm NTM cũng nổi bật, ông có thể “bật mí” cho bạn đọc “mẹo” của Hà Tĩnh?
Có thể nói, kể từ khi bắt tay vào cuộc xây dựng NTM, nhờ quá trình tạo đà từ Nghị quyết 26 Trung ương, Hà Tĩnh đã có nhiều quyết sách đúng đắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhất là phát triển SX.
Năm 2010 trở về trước, Hà Tĩnh mới chỉ xây dựng được 350 mô hình kinh tế mẫu, thu nhập từ mô hình này còn thấp. Đến nay toàn tỉnh có 5.556 mô hình SX hiệu quả trong đó có hàng trăm mô hình có thu nhập từ hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn mô hình thu nhập từ trên 1 tỷ đồng, số còn lại cũng có thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm.
Hà Tĩnh luôn là địa phương dẫn đầu cả nước, được Trung ương đánh giá cao trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tuy nhiên 2014 mới chính là năm “bội thu” của tỉnh nhà, nhiều chỉ tiêu, kết quả đạt được bằng 3 năm trước cộng lại. Số xã về đích NTM tăng gấp 2,7 lần (năm 2014 có 19 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 26, bằng 11% tổng số xã).
Toàn tỉnh chỉ còn 38 xã đạt dưới 7 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí, 449 tổ hợp tác, 114 HTX và 206 DN, lũy kế từ năm 2011 đến nay, tỉnh có 678 tổ hợp tác, 402 HTX, 885 DN. Đồng thời, xây dựng thêm 1.180 km đường GTNT, 224 kênh mương nội đồng; xây mới, nâng cấp 11 nhà văn hóa xã, 41 trường học, 12 trạm y tế, 250 nhà văn hóa thôn, xóa 984 nhà tạm…
Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách, trao quyền chủ động cho người dân nhằm huy động tối đa các nguồn lực theo khả năng của từng địa phương; tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 6.096 tỷ đồng. Không dừng lại ở những con số ấn tượng, Chương trình xây dựng NTM ở Hà Tĩnh đã đi vào chiều sâu.
Tại các làng quê, chuyện hiến đất, mở đường đã trở thành phong trào rộng khắp, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Bằng ý chí vượt khó, những vùng đồi núi bạc màu ở các huyện Vũ Quang, Hương Khê… và vùng đất cát hoang hóa trải dài từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh đã được khai phá, xây dựng nên những cánh đồng trù phú, những mô hình SX hiệu quả theo công nghệ cao với các loại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực như con tôm, lợn, hươu, bò, rau, củ, quả chất lượng cao... Có được những con số trên phải khẳng định xây dựng NTM đã đưa lại cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc lâu dài cho người dân.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Anh Bình
Nguồn: nongnghiep.vn
Nguồn: nongnghiep.vn