Bổ cứu một số nội dung kê khai, xác định thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường

UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 4552 /UBND-NL, ngày 08tháng 9 năm 2016 về việc Bổ cứu một số nội dung kê khai, xác định thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường.

Thực hiện hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT  tại Văn bản số 6851/BNN-TCTS ngày 12/8/2016, Văn bản số 7433/BNN-TCTS ngày 01/9/2016 về kê khai, xác định hiệt hại do sự cố môi trường biển; qua kiểm tra thực tế việc kê khai đối tượng, số lượng thiệt hại phục vụ thẩm tra, xác nhận, thẩm định giá trị thiệt hại, bồi thường ở một số thôn, xóm và xã cho thấy còn có một số bất cấp, chưa chặt chẽ; Vì vậy để công tác kê khai, xác định thiệt hại đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, dân chủ, đúng đối tượng, thực tế thiệt hại, tránh bỏ sót hoặc trùng lặp đối tượng UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển và thành phố Hà Tĩnh khẩn trương thực hiện các nội dung:
- Chỉ đạo UBND cấp xã, Hội đồng thẩm định cấp huyện khi các chủ cơ sở (chủ tàu, chủ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, chủ cơ sở chế biến thuỷ sản,...) kê khai thiệt hại và danh sách lao động tại cơ sở đó, phải tổng hợp đầy đủ danh sách các chủ cơ sở, danh sách lao động (họ tên, tuổi, địa chỉ…) của từng cơ sở, rà soát kỹ và thẩm định chính xác, chặt chẽ, đúng đối tượng; tuyệt đối không được để sót hoặc chồng chéo, trùng lặp, tránh trường hợp một đối tượng lao động được hưởng nhiều lần bồi thường hoặc số lao động tại các cơ sở, tàu thuyền tăng cao bất thường;
- Đối với các đối tượng là người lao động: Cần phải bám sát quy định, hướng dẫn và các tiêu chí theo Văn bản số 6851/BNN-TCTS ngày 12/8/2016 và Văn bản số 7433/BNN-TCTS ngày 01/9/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT để rà soát, xác nhận, thẩm định, đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng đối tượng và quy định; đặc biệt lưu ý tiêu chí là lao động thường xuyên và có thu nhập chính.
- Tổng hợp, lập danh sách chung toàn huyện, thị xã, thành phố đối với các chủ cơ sở theo lĩnh vực, loại nghề, người lao động của từng xã, từng thôn, xóm bị thiệt hại do sự cố môi trường để có cơ sở đối chứng, so sánh, kiểm tra, thẩm định, tránh tình trạng bỏ sót, trùng lặp; đồng thời gửi danh sách này cho Hội đồng kiểm tra, soát xét, thẩm tra giá trị thiệt hại của tỉnh để phục vụ thẩm tra;
- Sao lưu, lưu trữ, bảo quản và quản lý đầy đủ hồ sơ gốc về quá trình kê khai, xác nhận, thẩm định, phê duyệt đối tượng, số lượng thiệt hại tại thôn xóm, cấp xã, cấp huyện, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng quy định. Hồ sơ lưu trữ là cơ sở pháp lý phục vụ việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vấn đề về khiếu nại, tố cáo, tranh chấp và các yêu cầu khác phát sinh của công tác quản lý nhà nước sau này;
- Khẩn trương chỉ đạo Hội đồng thẩm định cấp huyện thẩm định, tổng hợp hồ sơ, giá trị thiệt hại của địa phương mình để báo cáo cấp trên kịp thời, theo đúng quy định. Quá trình thực hiện, những thôn, xóm nào chưa hoàn thành việc kê khai, xác định thiệt hại vì những nguyên nhân khách quan, UBND cấp xã, cấp huyện dự toán khoản kinh phí dự phòng phục vụ bồi thường cho các thôn, xóm chưa hoàn thành. Không vì vướng mắc tại một số thôn, xóm, xã mà làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của các huyện và toàn tỉnh;
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành nêu trên và cơ quan liên quan kịp thời hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ kê khai, xác định thiệt hại.
Theo Quốc Quân/sonongnghiephatinh.vn