Bước qua bom đạn, các cựu binh Hà Tĩnh tiếp tục tạo ra giá trị mới cho cuộc sống
- Chủ nhật - 22/12/2019 11:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sống có ích để đáp đền cuộc đời
Gặp Đại tá Lê Hữu Công (93 tuổi, ở Bình Lộc, Lộc Hà) giữa một sáng mùa đông giá rét nhưng những câu chuyện ông kể cho tôi nghe lại ấm áp ngọn lửa nhiệt huyết.
Đại tá Lê Hữu Công
Tháng 12/1945, nghe theo lời kêu gọi, ông Lê Hữu Công lên đường nhập ngũ. Năm đó, ông đã tham gia Chi đội Phan Đình Phùng (tiền thân của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh), chiến đấu ở chiến trường vùng biên giới Hà Tĩnh và miền Tây Nghệ An.
Từ năm 1946-1980, ông liên tục tham gia các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến trường Bình Trị Thiên, chiến trận Tây Nguyên… Ở bất kỳ chiến trường nào, ông Lê Hữu Công cũng giữ những vị trí quan trọng và cùng đơn vị mình lập nên những chiến công vang dội.
Đại tá Lê Hữu Công tại buổi nói chuyện chuyên đề “Người lính cụ Hồ” với học sinh trường Tiểu học Bình An (Lộc Hà)
Năm 1980, ông được phong quân hàm Đại tá và chuyển về công tác ở Học viện Kỹ thuật quân sự (Hà Nội), sau đó chuyển công tác ở Quân khu 4 và nghỉ hưu vào năm 1986. Ông nói rằng, số mình may mắn được bom đạn “tránh” để còn sống sót trở về. Chính vì thế, ông luôn tâm niệm phải sống sao cho xứng đáng với sự may mắn đó.
Sau khi nghỉ hưu trở về địa phương, ông liên tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy rồi Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bình Lộc (1987-1994). Trong thời gian này, ông Công đã có nhiều sáng kiến giúp các địa phương huyện Can Lộc bài trừ những “điểm nóng” tệ nạn như: Nạn móc túi ở chợ huyện, tranh chấp lương giáo (xã Bình Lộc), ma thuốc độc (xã Tùng Lộc), đốt phá rừng thông (xã Hồng Lộc)…
Nổi bật nhất là sáng kiến “xây dựng cụm an toàn làm chủ” năm 1997 của ông được nhân rộng khắp toàn tỉnh và được Quân khu 4 triển khai ở toàn khu vực.
Con đường dài 300 m ở Tổ dân phố 6, thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) do cựu binh Nguyễn Văn Bát hiến tặng trong phong trào xây dựng Nông thôn mới. Ảnh : Đình Nhất
Cho đến bây giờ, người dân thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) vẫn còn nhắc đến CCB Nguyễn Văn Bát (SN 1962) với niềm biết ơn sâu sắc khi ông đã hiến đất, hiến cây trong trang trại của mình, mở đường cho người dân trong vùng đi lại thuận lợi hơn.
Cựu binh Nguyễn Văn Bát nhập ngũ năm 1982, sau 3 năm phục vụ trong quân ngũ, tháng 1/1985, ông ra quân. Năm 2001, từ Cẩm Xuyên, ông Bát lên thị trấn Tây Sơn khai hoang lập nghiệp.
Không chỉ sống mẫu mực, cựu binh Nguyễn Văn Bát còn là người làm kinh tế giỏi
Ông Bát tâm sự rằng, dù chỉ có 3 năm quân ngũ nhưng phẩm chất người lính đã trở thành máu thịt của ông. Trong suy nghĩ của ông, làm bất kỳ điều gì cũng phải hướng đến những giá trị nhân văn. Bởi thế, khi tổ dân phố 9 và 11 sáp nhập, người dân cần một con đường đi lại thuận tiện hơn, ông Bát đã không ngại ngần đề xuất việc hiến đất làm đường.
Chính ông đã hiến tặng 2.800 m2 đất vườn, trên đó có 1.000 cây keo tràm và 100 gốc cam chanh đã cho thu hoạch để làm đoạn đường 300m. Con đường có ý nghĩa rất lớn không chỉ về mặt kết nối cộng đồng trong tổ dân phố mà còn giúp đỡ bà con mang các lâm sản, nông sản đi tiêu thụ dễ dàng hơn…
“Những năm kháng chiến chống Mỹ, nhân dân ta từng “xe chưa qua, nhà không tiếc”. Nay trong hòa bình, mình có ruộng, có vườn tại sao lại tiếc. Nếu không có độc lập, không có hòa bình thì thử hỏi nông dân mình có đất hay không?” - cựu binh Nguyễn Văn Bát chia sẻ.
Không ngừng tạo nên những giá trị mới
Cựu binh Đường Công Ngụ là người tiên phong đi đầu trong phong trào khai hoang lập nghiệp
Đi qua một thời đạn bom, cống hiến thanh xuân và xương máu cho độc lập của dân tộc, trở về cuộc sống đời thường, rất nhiều CCB vẫn mang trong mình tinh thần của người lính, luôn hướng về phía trước, nỗ lực tạo nên những giá trị mới cho xã hội.
Trở về từ chiến trường với thương tật trên người, nhưng sau một thời gian dài tiếp tục cống hiến ở vai trò Phó Bí thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Nga (Can Lộc), năm 2000, ông Đường Công Ngụ lên vùng đồi hoang thuộc thôn Đất Đỏ làm kinh tế trang trại.
Ông Đường Công Ngụ chia sẻ, khi còn làm cán bộ xã, ông từng đề xuất với UBND xã khuyến khích người dân vào vùng đồi núi hoang để lập nghiệp nhưng nhiều người cho rằng, ý tưởng của ông là hoang đường. Chính vì thế, ông đã xin nghỉ việc và tiên phong vào sâu trong núi, khai phá đất đồi, phát triển kinh tế.
Trang trại của ông Ngụ hiện nay rộng 3,5 ha, được bố trí trồng cây ăn quả có diện tích khoảng 2 ha (trồng 250 gốc cam chanh, 50 gốc bưởi Phúc Trạch, 1.600 gốc thanh long, 1.500 gốc ổi Đài Loan) và kết hợp chăn nuôi hàng nghìn con gia súc, gia cầm…
Trang trại của cựu binh Đường Công Ngụ rộng 3,5 ha, thu nhập hàng năm gần 1 tỷ đồng.
Những năm gần đây, trang trại của ông Ngụ cho thu nhập hàng năm lên đến gần 1 tỷ đồng. Ông Ngụ còn nuôi dưỡng mơ ước làm du lịch sinh thái ngay trên trang trại của mình. Ông thường nói với thế hệ trẻ rằng, chỉ có lao động và sáng tạo mới đem đến của cải vật chất, kích hoạt trí tuệ.
Những CCB mà tôi đã gặp, người cống hiến trên lĩnh vực này, người tạo nên những giá trị mới ở lĩnh vực khác nhưng tất cả đều tỏa sáng phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.
Theo Thiên Vỹ/baohatinh.vn