Ông Nguyễn Tiến Lục, thôn Song Hải cho biết: “Nhà tôi có 12 ô (2 lồng), chết không còn một con. Chúng tôi cố vớt để mong cứu được một ít, nhưng cá chết nhanh không kịp trở tay. Số lớn cũng đã nuôi được 2 - 3 năm, nặng 3 kg/con, định sẽ đến dịp tết xuất bán. Mới hôm trước bão, nhà buôn hỏi giá 170.000 đồng/kg tôi còn chẳng bán, bây giờ thì không còn gì nữa rồi”.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, khoảng 80 tấn cá trong 222 ô nuôi của 53 hộ dân ở xã Thạch Sơn có hiện tượng chết bất thường. Toàn bộ số cá này đang vào kỳ thu hoạch, ước tính thiệt hại ban đầu về kinh tế lên đến hàng chục tỷ.
Còn ông Trương Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh (Thạch Hà), cho biết, theo thống kê bước đầu toàn xã có 8 hộ dân có cá nuôi trong lồng bè trên sông Rào Cái bị chết hàng loạt, với khoảng 2.630 con, khoảng hơn 3 tấn, con chết lớn nhất là 3kg, nhỏ nhất trên 1kg (cá chẽm, cá hồng), số cá này nuôi được từ 1-3 năm.
Ngoài ra, còn phát hiện thêm một số cá tự nhiên trên sông cũng bị chết hàng loạt như: cá lệch, cáy, cá bống…
Cá chẽm trong 7 lồng nuôi của 16 hộ dân thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng, TP. Hà Tĩnh cũng bị chết trắng được người nuôi trồng địa phương phát hiện. Ông Lưu Văn Sum (thôn Tiến Hưng) là hộ nuôi nhiều nhất ở đây, với 2.000 con cá chẽm đang đến kỳ thu hoạch. Những lồng cá này được nuôi cách đây 2 năm, thậm chí có lồng gần 4 năm. Theo ước tính của ông Sum, hiện, trung bình mỗi con đã hơn 1 kg, có lứa 3 - 4 kg.
“Vì tôi chủ động được thức ăn hàng ngày cho lứa cá chẽm này nên không vội bán, dự định cuối năm sẽ thu hoạch. Nhưng, “người tính không bằng trời tính”, nay mất trắng với thiệt hại khoảng 300 triệu đồng (nếu tính giá 140 nghìn đồng/kg)” – ông Sum buồn bã cho hay.
Thông tin từ xã Cẩm Phúc (huyện Cẩm Xuyên), tại thôn 6 của xã vừa xuất hiện tình trạng cá vược chết hàng loạt, ước tính gần 10 tấn. Theo nhận định của Phòng NN&PTNT, nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết có thể là do mưa lũ, nước bị ngọt hóa nhanh khiến cho môi trường thay đổi đột ngột, cá bị sốc chết.
Ngay sau khi được người dân báo các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã lấy mẫu cá, mẫu nước và quan trắc môi trường để xác định nguyên nhân cụ thể. Chị Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản - Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Ngay sau khi được tin báo, chúng tôi đã có mặt để lấy mẫu nước và mẫu cá phân tích, xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại xã Thạch Sơn. Khi chưa có kết quả xét nghiệm, Chi cục Thủy sản khuyến cáo người dân tuyệt đối không vứt cá chết ra ngoài môi trường, không được bán cá chết và không dùng cá chết làm thức ăn cho người và động vật”.
Các địa phương cũng đã phát ra thông báo nghiêm cấm bà con không bán cá ra thị trường khi chưa xác định rõ nguyên nhân. Đồng thời, chỉ đạo cơ sở thống kê thiệt hại, số lượng cá trước và sau khi chết tại vùng nuôi; liên hệ với các đơn vị cấp đông, bảo quản cá tạm thời cho bà con nông dân để chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.