Cải thiện vệ sinh cộng đồng nhờ lồng ghép Dự án Choba

Ngày 31/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 (NTP III).
rong đó, Bộ Y tế được giao chủ trì Dự án Vệ sinh nông thôn, với mục tiêu 65% số hộ ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% trạm y tế xã có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh được quản lý và sử dụng tốt. 
Nhằm hỗ trợ thực hiện mục tiêu trên, ngày 10/7, Tổ chức Đông Tây hội ngộ phối hợp cùng Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) công bố Dự án Cải thiện vệ sinh cộng đồng giai đoạn 2012-2015 (Choba), thực hiện tại 8 tỉnh: Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương và Ninh Bình.
Choba là dự án được lồng ghép vào NTP III, với mục tiêu là tăng tỷ lệ tiếp cận vấn đề vệ sinh và thay đổi hành vi vệ sinh trong cộng đồng người nghèo tại các vùng nông thôn Việt Nam, trong đó tập trung vào 20% số hộ gia đình có mức thu nhập thấp nhất tại vùng nông thôn (dưới 1,25 USD/người/ngày). Dự án không hỗ trợ nguồn tài chính trực tiếp cho các hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, mà thông qua các gói thưởng dành cho tuyên truyền viên cấp cơ sở, hộ gia đình và đơn vị xã để kích thích nhu cầu xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và tăng tỷ lệ tiếp cận vệ sinh trong cộng đồng.
Theo đó, mỗi hộ gia đình sau khi xây dựng nhà vệ sinh tự hoại sẽ được nhận mức thưởng 560.000 đồng; đối với nhà tiêu hai ngăn sinh thái, mức thưởng là 460.000 đồng. Các xã có tỷ lệ xây dựng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn tăng 30% so với thời gian chưa tham gia dự án sẽ được thưởng lần 1 là 90 triệu đồng/xã. Nếu tỷ lệ này tăng lên 95%, mỗi xã sẽ được thưởng lần 2 là 36 triệu đồng/xã. Tổng nguồn vốn cho việc thực hiện Dự án là gần 1187 tỷ đồng, chỉ được giải ngân sau khi kết quả được thẩm định một cách độc lập.

Theo bà Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Đông Tây hội ngộ, thách thức lớn nhất của Dự án Choba là đối tượng tham gia tập trung vào người nghèo và cận nghèo và trước khi nhận được tiền thưởng từ Dự án, họ phải có vốn xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. “Để giải quyết vấn đề này, trong quá trình thực hiện Dự án, chúng tôi tích cực phối hợp cùng hội phụ nữ tuyến cơ sở, UBND các xã, Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời huy động các nguồn lực khác từ cấp tỉnh, huyện và xã”, bà Minh Châu nói.
Là đơn vị chịu trách nhiệm chính thức thực hiện giáo dục truyền thông và thay đổi hành vi về vệ sinh tại 8 tỉnh nêu trên, bà Trần Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, năm 2011, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Đông Tây hội ngộ thực hiện thí điểm thành công Dự án Vệ sinh môi trường tại 3 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp). Sau 10 tháng thực hiện, tại 22 xã của 12 huyện thuộc 3 tỉnh thí điểm, đã có 4.200 gia đình nghèo xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, 15 trường mầm non xây dựng khu rửa tay bằng xà phòng, 390 tuyên truyền viên và 80 giáo viên mầm non được tập huấn. “Đây là cơ sở để chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình dự án này, nhằm cải thiện vệ sinh cho 244 xã thuộc 8 tỉnh trong giai đoạn 2012-2015”, bà Bình cho biết.
Ông Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục quản lý môi trường Y tế, cơ quan hỗ trợ việc kết nối Dự án Choba với Hợp phần Vệ sinh thuộc NTP III nhấn mạnh, gần 50% người dân Việt Nam không được tiếp cận với nhà tiêu vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Hệ quả là, hàng năm, Việt Nam mất hàng trăm triệu USD, vì suy giảm hiệu suất kinh tế. Vì vậy, việc thực hiện thành công Choba sẽ không chỉ đem lại lợi ích cho các hộ gia đình, mà còn tác động tích cực đến cộng đồng nông thôn nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện vệ sinh của Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. “Trên cơ sở thành công của Dự án tại 8 tỉnh, Bộ Y tế sẽ có văn bản chỉ đạo, tuyên truyền các tài liệu tập huấn cho cả nước”, ông Phu nói.
Theo baodautu