Căn cơ các giải pháp chống hạn, đảm bảo sản xuất, dân sinh

Căn cơ các giải pháp chống hạn, đảm bảo sản xuất, dân sinh
(Baohatinh.vn) Đợt nắng nóng kỷ lục về cả cường độ và thời gian trong hàng chục năm qua vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Năm nay, nắng nóng diễn ra sớm hơn, hạn hán gay gắt, kéo dài khiến tình hình sản xuất, đảm bảo dân sinh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết!

Gần 2 tháng trời không mưa; nền nhiệt cao, phổ biến từ 35-38oC, có nơi lên đến 42oC; lượng mưa thấp so với trung bình nhiều năm, đặc biệt, khu vực miền núi như Hương Sơn, Vũ Quang chỉ đạt 49,8% so với lượng mưa 5 tháng trung bình nhiều năm. Nhiều hồ đập cạn kiệt nước; tình trạng xâm nhập mặn trên sông La lên cao…

Hà Tĩnh chủ động các phương án chống hạn kịp thời, hiệu quả

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn kiểm tra mực nước tại cống Cầu Trù (Lộc Hà)

Vụ hè thu đang đi vào giai đoạn cuối của lịch thời vụ nhưng tính đến ngày 8/6, bà con nông dân toàn tỉnh chỉ mới gieo cấy được 25.777/41.760 ha, đạt trên 60% kế hoạch. Nhiều địa phương không có nước để làm đất, gieo cấy. Đặc biệt, khoảng 950 ha không có khả năng gieo cấy. Đến nay, đã có 90/345 hồ chứa bị cạn (chủ yếu là hồ chứa nhỏ); mực nước phổ biến ở các hồ chứa chỉ đạt từ 25-60% dung tích thiết kế…

Vì vậy, việc lấy nước phục vụ sản xuất cho các xã, đặc biệt là khu vực cuối kênh đang gặp rất nhiều khó khăn. Nắng nóng dài ngày cũng khiến cho 14.580 hộ dân trên toàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà… Toàn bộ 364.000 ha rừng và đất lâm nghiệp đang ở cấp độ báo cháy cao nhất - cực kỳ nguy hiểm.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công điện, tổ chức các cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để bổ cứu cấp bách các biện pháp chống hạn, PCCCR, đẩy nhanh tiến độ sản xuất hè thu. Theo đó, giải pháp chung là điều tiết nguồn nước một cách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên các xã cuối kênh. Những diện tích ở vùng không chủ động nước, không có khả năng gieo cấy, chủ động chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn… Đối với công tác PCCCR, lực lượng chức năng và chủ rừng phải quản lý chặt chẽ người vào rừng; khi có cháy phải chủ động tổ chức triển khai dập lửa tại chỗ và báo ngay lên cấp trên để có sự hỗ trợ kịp thời.

Hương Sơn chang chang nắng lửa

Người dân Phố Châu (Hương Sơn) khốn khổ vì thiếu nước

Tỉnh đang tập trung chỉ đạo cao độ, bố trí nguồn kinh phí kịp thời và các giải pháp được xây dựng chi tiết với tinh thần nỗ lực cao nhất trước tình hình nước sôi, lửa bỏng hiện nay. Yêu cầu đầu tiên là bằng mọi biện pháp phải bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân. Song song với đó là nỗ lực cao nhất, kiên quyết không bỏ hoang diện tích sản xuất hè thu; siết chặt quản lý, tập trung cao hơn các giải pháp PCCCR.

Muốn thực hiện được các mục tiêu đó, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải thực sự lăn xả vào thực tiễn để có giải pháp phù hợp, sáng tạo, căn cơ cho từng vùng, từng địa phương. Trong đó, vai trò của chính quyền cơ sở trong việc theo dõi diễn biến, triển khai các giải pháp cụ thể và huy động người dân cùng góp sức sẽ mang tính quyết định.

Bơm tưới đêm ngày, nhiều diện tích chè vẫn khô cháy!

Cán bộ Xí nghiệp chè 20/4 và người dân Hương Trà (Hương Khê) sử dụng nguồn nước tưới hợp lý để chống chọi với nắng hạn.

Và hơn hết mỗi người dân cần ý thức rõ sự khốc liệt của hạn hán đối với sản xuất, đời sống và nỗi lo hỏa hoạn hủy diệt những cánh rừng. Từ đó, biết quý trọng, giữ gìn nguồn nước như một tài sản vô giá, biết sử dụng tiết kiệm từng giọt nước khi nghĩ đến hàng ngàn hộ dân, hàng trăm ha đất sản xuất đang khô khát giữa nắng lửa và luôn sẵn sàng tư thế phòng vệ để bảo vệ những lá phổi xanh cho cuộc sống của chính mình.

Tình hình nắng nóng tiếp tục diễn biến phức tạp. Những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, với sự khốc liệt của thiên tai dẫu đầy thử thách và muôn vàn gian khổ, nhưng chúng ta sẽ vượt qua với quyết tâm cao, bản lĩnh vững, kinh nghiệm dày và những giải pháp sáng tạo, phù hợp, hiệu quả.

Tường Anh
theo baohatinh