​Cần đột phá trong đào tạo nhân lực

Chiều 13-12, tiếp xúc với cử tri huyện An Lão (Hải Phòng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh năm 2015 Hải Phòng cũng như cả nước cần tiếp tục đẩy mạnh các đột phá về cơ chế chính sách...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các cử tri huyện An Lão chiều 13-12 - Ảnh: Đ.Bình

 

Đặc biệt, Hải Phòng cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vì đây cũng là một trong ba đột phá mà Đảng, Chính phủ đặt ra trong năm 2015.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2015 Hải Phòng cũng như cả nước cần tiếp tục đẩy mạnh các đột phá về thể chế pháp luật, về cơ chế chính sách, cần tập trung tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển trên nền ổn định vĩ mô, đi liền với kinh tế là chăm lo đảm bảo an sinh xã hội.

Tập trung bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững hòa bình ổn định phát triển đất nước. Trong các đột phá này, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Làm nông nghiệp cũng phải có trình độ để biết chọn những giống tốt hơn, biết chăm sóc tốt hơn, biết áp dụng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả”. Với Hải Phòng, Thủ tướng lưu ý địa phương cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính.

Trong 90 phút tiếp xúc với các cử tri, Thủ tướng cũng dành thời gian để trả lời các vấn đề mà cử tri quan tâm. Trả lời ý kiến cử tri Đào Văn Tần (Phòng NN&PTNT huyện An Lão) về chuyển dịch cơ cấu đất nông nghiệp và ý kiến cử tri Ngô Thị Thanh Thủy (xã Bát Trang) về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Thủ tướng chia sẻ: Tái cơ cấu nông nghiệp là phải đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí thấp nhất, chất lượng tốt nhất mà giá cả sản phẩm lại cao, có lợi cho người sản xuất.

Việc tăng hay giảm diện tích đất lúa như thế nào là Chính phủ đã phải tính toán rất kỹ để đảm bảo an ninh lương thực.

Vì thế, việc địa phương muốn chuyển đổi diện tích thế nào phải tính toán thật kỹ. Phải xem việc chuyển đổi có đem lại hiệu quả hơn trồng lúa, nuôi trồng thủy sản hay không. 

Về sản phẩm nông nghiệp cứ “được mùa mất giá”, Thủ tướng cho rằng việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cần đưa doanh nghiệp vào cuộc, Chính phủ cũng đã có những cơ chế, chính sách khuyến khích việc này. Chính phủ chỉ đạo thị trường quốc gia, còn nông dân và doanh nghiệp cần phải cạnh tranh để có sản phẩm tốt, chất lượng. Muốn vậy, nông dân cần học hỏi, tìm tòi, biết đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Về ý kiến xin mở rộng Khu công nghiệp Tràng Duệ thêm 600ha về phía huyện An Lão, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết cơ bản thống nhất và đồng tình, quan trọng là địa phương phải tính toán hiệu quả suất đầu tư.

Về việc xin xây dựng sân golf ở An Lão, Thủ tướng cho rằng phải tính toán kỹ, nếu nhường đất nông nghiệp làm sân golf thì hiệu quả đem lại đến đâu, có giải quyết việc làm cho người nông dân địa phương đã mất đất không, hiệu quả mang lại có hơn sản xuất nông nghiệp hay không, có tốt hơn nuôi trồng thủy sản hay không. 

“Chuyển dịch là để tốt hơn cho kinh tế địa phương, cho đời sống, thu nhập của người dân cao hơn. Nếu tính toán thấy việc chuyển dịch này hiệu quả thì làm” - Thủ tướng kết luận.

Khởi công 2 bệnh viện mới hiện đại

Ngày 13-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công hai bệnh viện mới: cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Quy mô mỗi bệnh viện 1.000 giường đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đây là hai trong số năm bệnh viện được Chính phủ quyết định đầu tư nhằm giải quyết quá tải bệnh viện tuyến trung ương, với tổng vốn đầu tư cho năm bệnh viện là 20.000 tỉ đồng (ba bệnh viện còn lại ở TP.HCM).

Phát biểu tại lễ khởi công, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đây là lần đầu tiên kể từ khi đất nước thống nhất cùng lúc có năm bệnh viện quy mô tổng cộng 4.500 giường bệnh được xây mới.

Theo bà Tiến, bình quân giường bệnh tại VN mới đạt xấp xỉ 25 giường bệnh/10.000 dân, mức rất thấp so với khu vực và ở bệnh viện tuyến cuối các giường bệnh phải ghép 2-3 người/giường, dẫn đến nhiều hệ lụy về điều kiện chăm sóc, chữa trị cho người bệnh và chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Bộ Y tế đặt mục tiêu trong năm 2015 đưa vào sử dụng khoa khám bệnh của các bệnh viện mới, sang năm 2017 sẽ đưa vào sử dụng toàn bộ bệnh viện.

Theo ông Mai Tiến Dũng - bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, tỉnh đã dành đất sẵn sàng cho 7.000 giường bệnh, mời gọi các nhà đầu tư xây dựng trường ĐH và bệnh viện tại Hà Nam. “Hà Nam mong muốn trở thành trung tâm y khoa kỹ thuật cao của cả nước. Chúng tôi đang phối hợp với ngành y tế đào tạo nhân lực để hết năm 2016 các bệnh viện đi vào hoạt động tỉnh sẽ đáp ứng đủ nhân lực, thu hút người bệnh từ khu vực bắc miền Trung và các tỉnh lân cận đến Hà Nam khám chữa bệnh” - ông Dũng cho biết

Nguồn tuoitre.vn