Cần xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích một cách bài bản
- Thứ sáu - 08/06/2018 03:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trên địa bàn huyện Thạch Hà hiện có trên 150 di tích, trong đó có 87 di tích đã được xếp hạng (6 di tích cấp quốc gia và 81 di tích văn hóa cấp tỉnh).
Thời gian qua, với sự kết hợp của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý chuyên ngành, công tác bảo tồn, trùng tu, quản lý di tích trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, không có hiện tượng xâm hại, lấn chiếm, tranh chấp. Thạch Hà cũng đã quan tâm đến công tác quản lý đối với các di sản văn hóa phi vật thể; phối hợp với các xã thống kê, kiểm tra các di tích, hiện vật để bảo tồn, gìn giữ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay nhiều di tích trên địa bàn đang dần bị xuống cấp, nguồn ngân sách hạn hẹp, trong khi số lượng di tích lớn nên việc trùng tu, tôn tạo còn gặp nhiều khó khăn.
Bộ máy làm công tác quản lý di sản tại một số xã trên địa bàn tuy đã được bố trí song chất lượng hoạt động chưa cao; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch chưa phát huy hiệu quả; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể chưa có chiều sâu, chưa tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ....
Trên cơ sở đó, huyện Thạch Hà đã gửi đến đoàn giám sát một số đề xuất kiến nghị, nhất là cần có chính sách thiết thực trong công tác tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa đang xuống cấp; tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo tồn di tích...
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Đoàn Đình Anh - Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của Thạch Hà Trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa. Với một số lượng di tích lớn như vậy nhưng không xảy ra tình trạng xâm lấn di tích, thực sự là nỗ lực lớn của huyện.
Để việc quản lý di tích được tốt hơn, Trưởng ban VH-XH đề nghị ngành văn hóa huyện cần sớm tham mưu cho địa phương xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy một cách bài bản. Quy hoạch lại hệ thống di tích thật cụ thể, bài bản, tránh tình trạng lộn xộn, biến tướng, biến dạng như ở một số di tích thời gian qua.
Là huyện có tiềm năng, truyền thống về dân ca, ví giặm, tuy nhiên số lượng các CLB lại đang còn ít, nên cần quan tâm đến việc xây dựng, mở rộng các CLB đi kèm là các chế độ, nguồn hỗ trợ để động viên, khích lệ tinh thần cho các nghệ nhân. Đặc biệt là cần chú trọng công tác đào tạo, truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếp nối các giá trị văn hóa.
Theo http://baohatinh.vn