Cảnh sát Phòng cháy Hà Tĩnh chỉ cách tránh hỏa hoạn dịp Tết

Năm 2017, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 26 vụ cháy do chập điện, chiếm tỷ lệ 45%. Trong những ngày cận kề Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng đột biến, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây chập cháy cao.
Vụ cháy quán Karaoke ở tổ dân phố 3, phường Sông Trí (TX Kỳ Anh) ngày 19/10/2017

Những năm gần đây, tình trạng xảy ra cháy nổ trên các thiết bị truyền tải điện, cột điện đang ở mức báo động. Nguy hiểm hơn, các thiết bị này nằm ngay giữa khu dân cư, trên các tuyến đường lớn, thậm chí trong nhà dân. Chính vì vậy, nếu không kịp thời chữa cháy, có thể hậu quả sẽ khôn lường.

Điển hình là vụ cháy vào ngày 20/6/2017 tại nhà bà Nguyễn Thị Thủy (số 263, đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) khiến ông Nguyễn Đức Tứ (SN 1962) bị bỏng nặng, phải đi cấp cứu. Tiếp đó là vụ cháy tại quán Karaoke Hai Thủy Kingdom (tổ dân phố 3, phường Sông Trí, TX Kỳ Anh) vào ngày 19/10 gây thiệt hại ước tính khoảng 350 triệu đồng. Nguyên nhân cả 2 vụ cháy sau đó đều được xác định do chập điện.

Hiện nay, hầu hết các gia đình sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ lượng điện lớn. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà ở trước đây do yếu tố lịch sử, hoặc sửa nhà không tính toán đến công suất dây điện, dẫn đến quá tải, không đáp ứng nhu cầu sử dụng điện. Bên cạnh đó, ý thức cũng như kiến thức trong quá trình sử dụng điện của người dân còn hạn chế, dẫn đến việc câu móc, đấu nối điện tùy tiện, không đảm bảo an toàn phòng cháy; công tác kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện chưa được quan tâm kịp thời. Ngoài ra, tâm lý chủ quan trong việc sử dụng điện, không ngắt quạt, máy vi tính, các thiết bị điện khi ra khỏi nhà, công sở, chợ, cửa hàng dẫn đến nhiều vụ cháy nổ, ngay cả khi trời mưa.

canh sat phong chay ha tinh chi cach tranh hoa hoan dip tet

Lực lượng cảnh sát PCCC kiểm tra các thiết bị an toàn phòng cháy tại trụ sở UBND xã Đức Hòa (Đức Thọ)

Trung tá Nguyễn Văn Lộc - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn (Công an tỉnh) cho biết: “Xử lý các tình huống do chập cháy điện đòi hỏi phải có những kỹ năng đặc thù. Khác với phương pháp cứu chữa bằng nước, chúng tôi phải sử dụng bột để xử lý. Thực tế cho thấy, những vụ chập cháy do điện đa số xảy ra tại điểm tập trung đông người, chính vì vậy, nếu không kịp thời cứu chữa, hậu quả sẽ khôn lường.

Trung tá Lộc cũng khuyến cáo: "Để phòng ngừa cháy nổ do dòng điện quá tải, người dân cần thiết kế, lắp đặt hệ thống dây dẫn đúng tiêu chuẩn và có hệ số dự phòng, không tự ý thay đổi các thiết bị tự ngắt; không dùng nhiều thiết bị điện một lúc và cùng 1 ổ cắm; định kỳ kiểm tra hệ thống để khắc phục kịp thời những nguy cơ gây ra quá tải.

Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra, lắp đặt hệ thống bảo vệ, tiêu thụ điện trong gia đình. Trước khi ra khỏi nhà, phải tắt tất cả các thiết bị điện; trước khi đi ngủ, phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng, cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết.

Khi xảy ra cháy, phải nhanh chóng cắt cầu dao điện tổng, báo cho mọi người xung quanh biết, báo cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Không dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện".

Theo Thùy Dương/baohatinh.vn