Chăn nuôi sẽ trở thành thế mạnh của nhiều tỉnh

Các chuyên gia cho rằng, muốn đạt hiệu quả kinh tế cao như mong đợi, người chăn nuôi phải đảm bảo những quy trình, điều kiện nhất định.

Nhìn từ một dự án ở Hà Tĩnh

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, lấy chăn nuôi làm thế mạnh. Hiện lĩnh vực này đã chiếm tỷ trọng 48,2% trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

Nói đến chăn nuôi ở Hà Tĩnh, có lẽ “nổi danh” nhất là dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt lớn nhất Việt Nam hiện nay của Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 4.582 tỷ đồng.

Và có lẽ chính vì thế nên buổi tọa đàm “Phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh” tổ chức hôm 15/1/2016, tại Hà Tĩnh, do BIDV, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng tổ chức, đã được rất nhiều người quan tâm.

Đàn bò nhập từ Úc của công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà

Buổi tọa đàm không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia về chăn nuôi của Israel, Úc, các chuyên gia trong nước, mà lãnh đạo của một số tỉnh cũng tham dự với mong muốn có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về chăn nuôi.

Theo ông Scot Braithwaite, Giám đốc khu vực châu Á của Công ty Xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Wellard, tăng trưởng kinh tế đã làm thay đổi nhu cầu dinh dưỡng của người dân. Việt Nam là nước có nhu cầu khá lớn về thịt bò, trong khi đó chăn nuôi trong nước chưa đáp ứng đủ. Trang trại nuôi vỗ béo là phương thức chăn nuôi rất mới, và có thuận lợi lớn là nguồn thức ăn cho gia súc phong phú.

Wellard đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai một số dự án chăn nuôi bò ở Đông Nam Á với hình thức liên doanh. Ông Scot Braithwaite cho biết, nếu vỗ béo thành công một đàn bò 42.000 con đạt 300 đến 350 kg/con, có thể mang về doanh thu 25 triệu USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, muốn đạt hiệu quả kinh tế cao như mong đợi, người chăn nuôi phải đảm bảo những quy trình, điều kiện nhất định: xây dựng hệ thống quản lý dinh dưỡng hiệu quả; Tập trung vào phòng ngừa hơn chữa trị bệnh tật; Đổi mới hệ thống chuồng giống, chăn thả và lựa chọn vật nuôi; Phát triển năng lực quản lý; Tuân thủ nghiêm ngặt lịch biểu sản xuất hàng năm…

Phát biểu tại tọa đàm, đại diện Vụ Nông nghiệp - Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bò tại Việt Nam: Cần rà soát, đánh giá, xây dựng quy hoạch của cả nước, phát huy lợi thế chăn nuôi bò thịt tại các vùng miền, gắn quy hoạch phát triển với quy hoạch chế biến sữa, giết mổ và thị trường tiêu thụ; Xây dựng liên kết trong chăn nuôi bò, tổ chức sản xuất theo hướng phát triển các DN chăn nuôi bò sữa, bò thịt quy mô lớn, công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi từ chăn nuôi, chế biến đến thị trường tiêu thụ…

Đồng hành cùng người chăn nuôi

Là đơn vị đề xướng tổ chức toạ đàm lần này, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV đặt vấn đề: Chúng ta có điều kiện để phát triển chăn nuôi, nhất là đại gia súc. Nhưng làm thế nào để ngành chăn nuôi của Việt Nam phát triển xứng tầm trong bối cảnh hội nhập, phát triển phù hợp với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, với trọng lượng một con bò có thể lên đến 1,4 tấn? Chúng ta có thể làm được thế không?

Để hỗ trợ ngành chăn nuôi nói chung và người nuôi bò nói riêng, ông Trần Bắc Hà khẳng định, BIDV sẽ xây dựng chiến lược tài trợ cho ngành chăn nuôi với một số nội dung như sau: Tăng cường tài trợ hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao; Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xây dựng chính sách cho địa phương có tiềm năng phát triển chăn nuôi bò thông qua hoạt động hội thảo, tọa đàm, tư vấn, định hướng dự án đầu tư cho các DN; Hỗ trợ, tư vấn phát triển thị trường. Và ngân hàng sẽ tiếp tục tài trợ vốn tín dụng cho các dự án chăn nuôi bò khả thi của các DN...

Ngay tại buổi tọa đàm, lãnh đạo BIDV đã cam kết sẽ xây dựng và ban hành gói tín dụng tài trợ với quy mô lên tới 1 tỷ USD, nhằm hỗ trợ ngành chăn nuôi đổi mới công nghệ, gia tăng quy mô và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Ngân hàng sẽ ưu tiên tài trợ cho các dự án bò thịt có quy mô từ 500 con trở lên; hoặc từ 200 con đối với bò thịt giống cao sản; từ 500 con đối với bò sữa cao sản. Đặc biệt, BIDV sẽ hỗ trợ tích cực để người chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao nhằm đạt năng suất, chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tiềm năng của ngành chăn nuôi đại gia súc của Việt Nam rất lớn. Thế nhưng, cũng như những lĩnh vực khác, trong quá trình hội nhập, cùng với những cơ hội để phát triển, ngành chăn nuôi bò sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn: Sự chênh lệch về trình độ phát triển của Việt Nam so với các nước nông nghiệp phát triển tham gia các FTA với Việt Nam; Cạnh tranh lớn khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ với việc Việt Nam tham gia ký kết các Hiệp định FTA cũng như TPP; Hạn chế về mặt chất lượng của giống vật nuôi để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, cũng như chi phí sản xuất cao…

Song cùng với khó khăn, thì hãy nhìn vào thực tế, với chỉ riêng nhu cầu thị trường trong nước sẽ thấy cơ hội kinh doanh lớn: Hiện tổng đàn bò trong nước khoảng 5 triệu con. Bò thịt hiện mới đáp ứng được 50% - 60%; và sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước đáp ứng được 30 -35% nhu cầu… Phát triển chăn nuôi nói chung và nuôi bò nói riêng đang là lĩnh vực hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích. Cơ hội cho những người chăn nuôi là đây.

Và nói như TS. Trần Du Lịch: thách thức lớn nhất đối với chúng ta là không tận dụng được những cơ hội mà hội nhập mang lại.

Tại buổi tọa đàm, BIDV đã trao tượng trưng 2.000 suất quà tết theo chương trình “Quà Tết tặng đồng bào nghèo – Xuân đoàn tụ - Tết sẻ chia” cho đồng bào nghèo tỉnh Hà Tĩnh; và 1 xe cứu thương trị giá 1,2 tỷ đồng.