Chạy đua với thời vụ, giành thắng lợi vụ hè thu 2012

Chạy đua với thời vụ, giành thắng lợi vụ hè thu 2012
Bài 2 : Nói không với gieo thẳng
 
Có vẻ như “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” đã trở thành câu chuyện cũ. Đối với sản xuất vụ hè thu 2012, để có một mùa vụ ăn chắc, an toàn thì nhất giống và nhì phải là bắc mạ cấy…


Nhìn từ huyện lúa

Vào thời điểm này, trà lúa xuân muộn trên đồng ruộng Đức Thọ đã bắt đầu bước vào giai đoạn trổ rộ. Như vậy là, khoảng một tháng nữa, 6.100 ha lúa đông xuân sẽ được thu hoạch, sớm hơn trung bình của tỉnh ít nhất 5- 7 ngày.

Đồng ruộng được giải phóng, vụ hè thu cũng theo đó mà có điều kiện gieo cấy sớm hơn. Tuy nhiên, đối với vùng đất vốn nổi tiếng về thâm canh lúa bao đời nay của tỉnh, người dân không chỉ biết trông chờ vào sự may rủi do thiên nhiên đem lại. Chủ động bắc mạ cấy từ lâu đã không còn là câu chuyện xa lạ đối với bà con nông dân, nhất là đối với khung thời vụ gấp rút như hè thu.

Bài 2 : Nói không với gieo thẳng
Mạ cho vụ hè thu đã được sẵn sàng

Ông Trần Hoài Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ cho biết: “Năm nay, huyện cơ cấu hơn 4.200 ha, trong đó có đến 1500 ha hè thu chạy lụt và 2700 ha là trà hè thu chính, do đó, việc sản xuất đúng lịch, đúng thời vụ rất quan trọng. Khác với các địa phương có tập quán gieo thẳng, đối với vùng có đất mạ, huyện sẽ chỉ đạo bà con xuống đồng gieo mạ vào khoảng 25- 26/5, còn lại (trà hè thu chính vụ), chủ yếu là bắc mạ ép ở chân ruộng. Có nghĩa là, khi lúa đông xuân bắt đầu bước vào giai đoạn đỏ đuôi lươn (khoảng 15 ngày trước thu hoạch), bà con sẽ tiến hành cắt một góc ruộng, nhổ dồn lúa để lấy đất bắc mạ. Với phương pháp này, chúng tôi “tiết kiệm” được nửa tháng cho thời vụ hè thu”.

Đó là lý do để Đức Thọ bảo vệ khá an toàn cho vụ thu hoạch hè thu 2011, toàn huyện thu hoạch gần 87% trước trận mưa lớn đầu tiên (trong khi toàn tỉnh mới chỉ đạt 40,54%) và cơ bản hoàn thành trước 30/9. Cũng theo ông chia sẻ, kinh nghiệm về bắc mạ ép ở Đức Thọ đã có từ rất lâu, trước khi anh là cán bộ chỉ đạo nông nghiệp.

Đến thời điểm này, trừ vùng canh tác hè thu chạy lụt là có đất mạ, gần như toàn bộ diện tích còn lại đều được bà con sử dụng phương pháp bắc mạ ép. Thế cho nên, trong khi một số nơi đang khá chật vật tìm loại giống phù hợp với tình hình thời vụ năm nay thì Đức Thọ vẫn yên tâm với syn 6, Nhị ưu 838, TH3-3, HT1, Nếp cho trà thâm canh.

Bắc mạ cấy gắn với chuyển đổi cơ cấu các trà lúa cũng đã trở thành mũi đột phá trong sản xuất đông xuân 2011-2012 ở Can Lộc và đang có sức lan tỏa lớn, khắp từ Đức Thọ, Hương Sơn đến Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên. Ông Phan Xuân Yên, Trưởng phòng nông nghiệp Hương Sơn cho biết: “Huyện sẽ gắn chính sách hỗ trợ giống của tỉnh vào bắc mạ cấy. Có nghĩa, những ai bắc mạ cấy thì sau khi nghiệm thu mới được hỗ trợ tiền giống theo chính sách”.

Mạ phải sẵn sàng chờ ruộng

Theo các nhà chuyên môn, đến hết ngày 5/5, có 20% diện tích lúa đông xuân toàn tỉnh trổ rộ; 50% diện tích từ 5/5- 10/5 và khoảng 30% diện tích còn lại sẽ trổ muộn nhất vào 15/5.

Vấn đề trở nên căng thẳng khi thời gian cho vụ hè thu năm nay quá eo hẹp, sớm nhất cũng phải 1 tháng nữa đồng ruộng mới được giải phóng. Như vậy để vượt qua thách thức thời vụ, một yêu cầu quan trọng là mạ phải sẵn sàng để khi đồng ruộng được giải phóng là tiến hành cấy ngay. Cùng một thời gian xuống giống, mạ cấy sẽ rút ngắn được thời gian trên đồng ruộng 15 ngày so với hạt lúa gieo.

Bài 2 : Nói không với gieo thẳng
Bắc mạ cấy là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với vụ hè thu năm nay

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp triển khai đề án sản xuất hè thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định: “Nếu sử dụng phương pháp gieo thẳng như một số địa phương thì nhất thiết phải tiến hành xuống giống từ 25/5- 5/6, tuy nhiên, điều đó không thể xảy ra bởi lúa đông xuân vẫn chưa được thu hoạch. Giống lúa dưới 80 ngày quá hạn chế về chủng loại, do vậy chủ trương “ăn chắc” nhất cho vụ lúa này mà các địa phương cần thực hiện đó là nhổ dồn lúa đông xuân, lấy đất bắc mạ để chờ ruộng. Chỉ có thế mới có thể rút ngắn được thời gian sản xuất hè thu, né tránh an toàn ảnh hưởng của thiên tai”.

Tất nhiên, cuộc cách mạng thay đổi tập quán sản xuất không thể dễ thực hiện trong một vài năm và không phải đâu cũng thuận lòng. Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp Cẩm Xuyên cho biết: “Hằng năm, gần như 100% diện tích lúa hè thu của huyện đều được gieo thẳng, bây giờ muốn thay đổi thật không dễ. Mặt khác, bình quân diện tích canh tác trên mỗi đầu người lớn, khoảng 3 lao động/ 1 mẫu ruộng, trong khi diện tích dùng cho bắc mạ thuần lâu nay không có nên dễ khiến người dân nản lòng”. Trước tình hình đó, bên cạnh vận động, khuyến khích, huyện chỉ đạo điểm bắc mạ tại các xã, nhằm tạo nên phong trào thấm nhuần dần vào ý thức của người dân. Đồng thời, tận dụng lợi thế về nguồn nước tưới để điều hành sản xuất, thu hoạch đến đâu, làm đất đến đó, đảm bảo đúng khung lịch thời vụ của hè thu năm nay.

Nguyễn Oanh- Hữu Trung- Vũ Dũng