Chạy nước rút gieo trỉa lạc xuân
- Thứ tư - 27/02/2013 22:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vụ xuân 2013 gia đình anh Lê Phúc Thủy, Thạch Châu (Lộc Hà) gieo trỉa 6 sào lạc. Vào những năm trước, tầm này nhiều luống lạc đã bắt đầu phủ xanh cánh đồng thế mà năm nay mãi đến ngày mùng 9 Tết thì gia đình anh mới xuống đồng được. Hỏi ra mới biết, cả vùng đất này (bao gồm mấy sào lạc nhà anh Thủy) không có lối thoát nước, mưa xuống đọng nước lại chỉ biết chờ nắng mới khô được đất. Cực chẳng đã, thời tiết từ trong Tết đến nay mưa nhiều, nắng hửng chưa kịp làm khô đất thì những cơn mưa kéo dài lê thê lại đổ xuống khiến cho công làm đất trở thành “công dã tràng”: “Tập quán của vùng này thường làm lạc xuân sớm hơn các vùng khác để tránh hạn cho cây lạc. Thế nhưng năm nay đành chịu thua trời, ít nhất gần 1 tuần nữa tôi mới gieo trỉa xong đồng lạc nhà. Chậm thời vụ điều khiến chúng tôi lo nhất là nắng hạn có thể xảy ra trong giai đoạn phát triển quan trọng của lạc”, anh Thủy tâm sự. Theo tính toán của người dân địa phương, so với lịch, năm nay tiến độ gieo trỉa lạc xuân bị chậm khoảng nửa tháng. Nỗi lo không hoàn thành kế hoạch cây trồng chủ lực vụ xuân đã khiến bà con nông dân vùng đất lạc tận dụng mọi thời gian, nhân lực để “chạy nước rút” trong những ngày cuối cùng này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn xuống đồng động viên bà con tập trung gieo trỉa lạc xuân theo đúng kế hoạch |
Cũng nhờ tập trung cao độ cho cây trồng chính, đến thời điểm này xã Thạch Bằng đã hoàn thành 100% kế hoạch với 350 ha, chủ yếu là giống L14, L23. Ông Phan Đình Cương, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mặc dù tháng giêng là tháng lễ hội nhưng xã đã chủ trương hạn chế tối đa các hoạt động vui chơi, giải trí để tập trung quyết liệt cho sản xuất. Nhờ vậy, năng suất lao động nâng lên đáng kể, đặc biệt là những ngày cuối của khung thời vụ”.
Trong số những địa phương có diện tích lạc lớn nhất tỉnh thì huyện Thạch Hà đứng ở “tốp” thứ 4 với 2.000 ha. Khi kế hoạch gieo trỉa mới chỉ hoàn thành 75%, bà con nông dân ở đây chỉ còn biết gác lại mọi công việc, “vắt chân lên cổ” tăng tốc trong những ngày cuối cùng trong khung thời vụ. Trên cánh đồng, tiếng máy cày nổ giòn giã, trâu bò đi rầm rập khiến cho không khí lao động trở nên khẩn trương, rộn ràng hơn bao giờ hết. Anh Nguyễn Quang Bính, xóm Thanh Sơn, xã Thạch Lạc cho biết: “Gia đình tôi làm 9 sào lạc nhưng do thời tiết bất lợi nên công tác làm đất mất rất nhiều công sức. Nhiều vùng đất đã làm sẵn nhưng trời mưa suốt không thể gieo trỉa được. Cũng may, năm nay gia đình đầu tư thêm máy cày nên đỡ mệt và nhanh hơn. Cứ làm đất đến đâu, chúng tôi gieo trỉa đến đó”.
Bà con xã Thạch Châu tăng tốc gieo trỉa lạc xuân |
Như vậy là, lịch thời vụ gieo trỉa lạc chính thức khép lại vào cuối tháng 2, toàn tỉnh mới chỉ gieo trỉa 14.500 ha trong tổng số 17.600 ha, hoàn thành gần 85% diện tích. Trong khi các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Nghi Xuân đã hoàn thành chỉ tiêu thì một số nơi tỷ lệ vẫn còn đạt thấp như: TP Hà Tĩnh (25%), Can Lộc (56,3%), Kỳ Anh (67%), Thạch Hà (75%). Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Dù các đợt mưa trong vụ xuân năm nay không lớn nhưng khoảng cách ngắn, mưa kéo dài đã làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trỉa lạc xuân. Đặc biệt là những vùng thấp trũng, không có lối thoát nước. Để hoàn thành kế hoạch sản xuất lạc xuân 2013, các địa phương cần tập trung chỉ đạo bà con gác lại mọi công việc, tranh thủ ra đồng, đẩy nhanh tiến độ gieo trỉa. Nơi nào thấp ẩm, cần làm luống cao; đồng thời bón phân chuồng nhằm tăng độ màu mỡ cho đất”.
Vụ lạc xuân là vụ sản xuất lạc chính trong năm. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, lạc còn tham gia trong nền kinh tế nông nghiệp như một sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc biệt là các giống lạc cao sản chất lượng cao. Tăng diện tích, đầu tư thâm canh là những yếu tố tiên quyết để sản phẩm của quê hương đủ sức vươn ra thị trường theo đúng lộ trình định hướng của tỉnh.
NGUYỄN OANH
baohatinh.vn