Che phủ ni-lon đúng quy trình kỹ thuật, chống rét cho mạ xuân

Che phủ ni-lon đúng quy trình kỹ thuật, chống rét cho mạ xuân
Thời tiết đang trải qua những ngày rét nhất kể từ đầu mùa. Đây cũng là khoảng thời gian trùng khít với lịch xuống giống trà lúa xuân trung, một trong 2 trà lúa quan trọng nhất của vụ xuân 2014. Điều đáng nói, dù sử dụng phương pháp bắc mạ hay gieo thẳng thì cũng khó mà “bói” ra cánh đồng nào được che phủ ni-lon đúng quy trình kỹ thuật.
 
Che phủ ni-lon đúng quy trình kỹ thuật, chống rét cho mạ xuân

Nhiều diện tích mạ giống Xi23 bị chết rét ở xã Mai Phụ (Lộc Hà).

Bắt đầu xuống giống từ ngày 15/12, khung lịch cho trà mạ xuân trung đang chuẩn bị khép lại. Vào thời điểm này, bà con đang hoàn tất việc bắc mạ một số giống, còn lại nhiều địa phương bắt đầu tiến hành gieo thẳng cho trà giống này. Hiện tại, toàn tỉnh đã bắc trên 366 ha mạ (tương ứng gần 4.500 ha lúa cấy) và gieo thẳng 10 ha, chiếm gần ½ kế hoạch sản xuất trà xuân trung vụ xuân 2014.

Theo đúng quy luật thì các đợt rét trong năm sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 dương lịch nhưng rét đậm, rét hại xuất hiện sớm như năm nay thì có vẻ là hiện tượng bất thường của thời tiết. Và, dù thời gian rét đậm chỉ mới kéo dài 1 tuần lễ, nhiều diện tích mạ của một số địa phương đối mặt với tình trạng chết rét. Ông Hoàng Trọng Yên, cán bộ khuyến nông xã Thạch Thắng (Thạch Hà) cho biết: “Trước nay, bà con không có thói quen che phủ ni-lon cho trà mạ xuân trung vì thời điểm gieo mạ thường gặp thời tiết ấm. Sau đợt rét vừa rồi, chúng tôi vẫn chưa thống kê được cụ thể số diện tích mạ bị chết rét nhưng nhìn thực tế, đồng mạ nào cũng trống troảng, thưa thớt. Hiện tại, xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con rút kinh nghiệm, bổ cứu kịp thời bằng các giống xuân muộn; đồng thời phải tuân thủ quy trình che phủ ni-lon cho 80% trà mạ xuân muộn sắp tới”.

Cũng phải nói thêm rằng, khi tập quán của vùng này vẫn là gieo thẳng, chỉ trừ trường hợp những vùng ruộng sâu mới bắc mạ cấy, thì việc bắc mạ phủ ni-lon góc ruộng vẫn chưa thể nói trước được điều gì. Diện tích mạ chết nhiều nhất vẫn là ở các xã Bình Lộc, Mai Phụ, An Lôc… (Lộc Hà). Ông Lê Trọng Ấn - Chủ tịch UBND xã Bình Lộc cho biết: “Đợt rét vừa rồi làm chết 70- 80% diện tích mạ xuân trung của xã. Chúng tôi đang cân đối bổ sung vào xuân muộn, song đáng lo nhất là những vùng sâu trũng thì không thể thay thế được”.

Vẫn biết, diện tích trà xuân trung chỉ chiếm 20% tổng diện tích gieo cấy trong vụ xuân 2014 (gần 11.000/55.000 ha) thì đây vẫn là một trong 2 trà lúa quan trọng nhất trong vụ lúa chính này. Nếu xảy ra bất trắc, chắc chắn sẽ phần nào ảnh hưởng đến sự cân đối giống, nếu không muốn nói đến trường hợp xấu nhất là khan hiếm giống, sử dụng giống không đúng cơ cấu. Thời vụ sắp khép lại, có điều, không riêng ở một vài vùng sản xuất lúa, có vẻ như hình ảnh những luống mạ được che phủ ni-lon đúng quy trình kỹ thuật cho trà xuân trung vẫn là “hàng hiếm”, kể cả ở những địa phương có truyền thống như Can Lộc, Đức Thọ. Phần lớn, bà con chỉ kéo ni-lon khoanh vùng, vây xung quanh ruộng để tránh chuột là chính. Trong khi một số bà con nông dân quyết định sẽ tập trung ni-lon che phủ cho trà xuân muộn sắp tới thì cũng không ít người dân ở Cẩm Xuyên lại cho rằng: thà bổ cứu dặm tỉa về sau chứ không thể tiến hành che phủ ni-lon vì diện tích gieo cấy quá lớn, lao động lại thiếu.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Kinh nghiệm của dân gian cho thấy, trà mạ xuân phải qua “3 giá”, sự cảm ứng với nhiệt độ thấp sẽ giúp cây lúa thực hiện tốt quá trình xuân hóa. Có nghĩa là, thời điểm xuống giống gặp rét có thể xem là điều kiện thuận lợi cho năng suất cây trồng. Tuy nhiên, người sản xuất phải luôn giữ thế chủ động mà che phủ ni-lon cho mạ dày xúc cũng như mạ góc ruộng là giải pháp an toàn tối ưu. Qua kiểm tra thì đợt xuống giống lần này gần như toàn bộ diện tích đều không được che phủ theo đúng quy trình, việc bao vây xung quanh không đủ để chống rét, nhất là những ngày nhiệt độ xuống thấp như vừa qua”. Cũng theo ông Thanh, những ngày rét nhất trong mùa đông sẽ rơi vào tiết tiểu hàn đến đại hàn (10-25/1 DL), trùng với thời điểm xuống giống của 80% diện tích lúa vụ xuân 2014, trà lúa xuân muộn. Nếu không chủ động quy trình che phủ, chắc chắn lúa vụ xuân sẽ không còn đường quay trở nếu xảy ra hiện tượng chết rét như ở trà xuân trung.

Trong khi đó, trừ cơ chế, chính sách của địa phương, vụ xuân 2014 là vụ đầu tiên kể từ khi thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tỉnh quyết định “cắt” hỗ trợ về chính sách (trừ nguồn hỗ trợ dự trữ quốc gia). Ngoài vật tư, giống thì mỗi sào ruộng cần không quá 20 nghìn đồng trang bị ni-lon che phủ mạ theo đúng quy trình. Nói thế, người sản xuất tự quyết định trên đồng ruộng của mình, chắc gì quy trình phủ ni-lon cho mạ đã được thực hiện một cách đồng bộ như lúc có chính sách “chống lưng”?! Thế mới thấy, vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở đóng vai trò chủ chốt trong việc sớm tuyên truyền, khuyến cáo người nông dân tuân thủ quy trình phủ ni-lon cho mạ, tránh rét an toàn cho lúa xuân. Điều này không chỉ bảo vệ năng suất sản phẩm, quan trọng bước chuyển biến này sẽ tạo nên được dáng vẻ mới mẻ của những cánh đồng hàng hóa.

NGUYỄN OANH
Nguồn: baohaitnh.vn