Chỗ đứng nào cho rau an toàn?

Chỗ đứng nào cho rau an toàn?
Hiện nay, rau an toàn đã được hiện hữu trên thị trường nhưng lại chưa được người tiêu dùng phấn khởi đón nhận do chưa có cơ sở hay tiêu chí nào để nhận biết. “Thiệt thòi” này đồng nghĩa với sự èo uột của phong trào làm rau sạch và sự “vô tư” trong sản xuất rau quả có sử dụng các chế phẩm độc hại của người dân. Đã đến lúc phải xác định được ranh giới giữa rau an toàn và rau không an toàn, nhằm tìm được chỗ đứng vững chắc cho rau an toàn phát triển; từng bước triệt tiêu kiểu sản xuất coi nhẹ sức khỏe người tiêu dùng.

Lẫn lộn rau sạch, rau bẩn

Trước thực trạng đáng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản phẩm rau quả hiện nay, ngành chức năng và các địa phương đã quan tâm chỉ đạo hướng đến sản xuất rau an toàn, tuy nhiên chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Như chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước, mặc dù nhu cầu rau an toàn hết sức cấp bách nhưng một nghịch lý trong sản xuất rau an toàn đang diễn ra hiện nay, đó là rau an toàn còn bị rau không an toàn lấn át trên nhiều phương diện, đặc biệt là về giá cả, trong khi đó sản xuất rau an toàn đòi hỏi một quy trình kỹ thuật khắt khe hơn, các loại chi phí cũng cao hơn.

Do không sử dụng hoá chất tăng trưởng, bảo quản nên rau an toàn có thời gian bảo quản ngắn, tỷ lệ hao hụt cao... Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, người sản xuất sẽ rất ngại sản xuất rau an toàn. Nguyên nhân có nhiều nhưng theo các hộ sản xuất, sản phẩm rau an toàn có mẫu mã không đẹp, nhìn không bắt mắt nên vẫn chưa thu hút được sự chú ý của người mua. Rau an toàn đòi hỏi chi phí sản xuất cao hơn nên phải bán giá cao hơn mới có lãi, vì vậy khó thuyết phục được số đông người tiêu dùng vốn có tâm lý ham “giá rẻ, bắt mắt”.

Chỗ đứng nào cho rau an toàn?
Đứng trước cả "rừng rau", người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là rau an toàn và đâu là rau không an toàn

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là sự lẫn lộn rau sạch, rau bẩn trên thị trường. Nếu một khi không có dấu hiệu rau an toàn nào mang tính chính thống, cụ thể của các đơn vị, cơ sở sản xuất hay cơ quan chức năng như: chợ đầu mối, gian hàng giới thiệu sản phẩm, logo cho sản phẩm... thì rau an toàn được bày bán sẽ không thể chứng minh được bản chất của mình.

Ông Bùi Đình Khôi ở thôn Trung Tiến, xã Tượng Sơn (Thạch Hà) tâm sự: “Chúng tôi làm ra rau an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP với quy trình kỹ thuật khắt khe nhưng phải tự vật vạ ngoài chợ để bán như các loại rau khác, thử hỏi ai dám khẳng định rau của chúng tôi là rau an toàn! Mà cũng không thể trách người ta được bởi có tiêu chí nào để đánh giá đâu”. Còn phần lớn người tiêu dùng, khi được hỏi đều cho biết, đứng giữa cả “rừng rau”, không thể phân biệt được đâu là rau an toàn và đâu là rau không an toàn. Nếu căn cứ vào giá bán để mua rau an toàn, e lại thiệt đơn thiệt kép. Chi bằng cứ tiện đâu mua đấy; lựa chọn rau theo cảm quan của mình và phó thác vào sự may rủi chứ chẳng biết làm gì hơn cả.

Tìm chỗ đứng vững chắc cho rau an toàn

Trong khi rất nhiều địa phương chưa định hình được hướng đi cho sản xuất rau quả an toàn chất lượng cao, người dân sản xuất trong điều kiện được chăng hay chớ thì xã Tượng Sơn (Thạch Hà) đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để xây dựng mô hình trồng rau - củ - quả an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VIETGAP, từng bước xây dựng thương hiệu rau, củ, quả Tượng Sơn.

Chỗ đứng nào cho rau an toàn?
Rau - củ - quả của Tượng Sơn được sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP

Từ thành công của 2 ha rau quả đầu tiên, đến nay (vụ xuân 2013) Tượng Sơn đã phát triển mô hình sản xuất rau an toàn lên 35 ha dưới sự quản lý và điều hành sản xuất của HTX Hoàng Hà.

Hiện nay HTX có 175 xã viên tham gia và đều được tập huấn sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP, trong đó trên 50% xã viên được cấp chứng chỉ bán hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Thìn - Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, để đảm bảo quy trình sản xuất rau an toàn, xã quán triệt HTX chỉ đạo các xã viên thực hiện đúng các nguyên tắc: cùng loại giống, phân bón, đồng đất...; cùng thời vụ; cùng chăm sóc và cùng thu hoạch.

Quá trình sản xuất được sự giám sát thường xuyên và chặt chẽ của tổ trưởng và tổ phó của các tổ hợp tác trực thuộc HTX. Ngoài ra còn khuyến khích sự giám sát lẫn nhau giữa các hộ sản xuất. Khi có biểu hiện vi phạm về quy trình sản xuất rau an toàn, trực tiếp thông tin về UBND xã để kịp thời xử lý.

Cùng với đó, xã đã nhiều lần phối hợp với Sở KHCN tiến hành lấy mẫu đất, nước và mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm ở Viện KHCN Việt Nam và được Viện cấp giấy chứng nhận Rau Tượng Sơn đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chỗ đứng nào cho rau an toàn?
Mặt hàng bí xanh xã Tượng Sơn đã có thị trường tiêu thụ ở một số tỉnh, thành phía Bắc

Hiện xã đang tích cực xúc tiến để xây dựng logo cho sản phẩm, đồng thời tranh thủ sự quan tâm của tỉnh, xây dựng chợ đầu mối để khẳng định vị trí của rau, củ, quả Tượng Sơn.

Mặc dù địa phương đã có sự tập trung cao độ cho thương hiệu sản phẩm nhưng hiện tại rau an toàn Tượng Sơn vẫn chưa thể tìm được chỗ đứng vững vàng. Trong nỗ lực tìm kiếm, kết nối thị trường của địa phương, sản phẩm bí xanh của Tượng Sơn cơ bản đã có đầu ra khả quan từ thị trường các tỉnh bạn; còn hàng chục ha rau, củ, quả khác được sản xuất theo VIETGAP hằng ngày vẫn phải vật lộn để cạnh tranh một cách khó khăn với các sản phẩm truyền thống trên thị trường tỉnh nhà.

Và như vậy, rau an toàn đã được hiện hữu trên thị trường nhưng lại chưa được người tiêu dùng phấn khởi đón nhận do chưa có cơ sở hay tiêu chí nào để nhận biết. “Thiệt thòi” này đồng nghĩa với sự èo uột của phong trào làm rau sạch và sự “vô tư” trong sản xuất rau quả có sử dụng các chế phẩm độc hại của người dân. Đã đến lúc phải xác định được ranh giới giữa rau an toàn và rau không an toàn, nhằm tìm được chỗ đứng vững chắc cho rau an toàn phát triển; từng bước triệt tiêu kiểu sản xuất coi nhẹ sức khỏe người tiêu dùng.

Chỗ đứng nào cho rau an toàn?
Đã đến lúc phải xác định được ranh giới giữa rau an toàn và rau không an toàn, nhằm tìm được chỗ đứng vững chắc cho rau an toàn phát triển

Theo đó, cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu tổ chức sản xuất đến tổ chức tiêu thụ. Bên cạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nông dân về sản xuất rau an toàn, cần tạo được một cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất thỏa đáng; đồng thời cũng tạo được điều kiện tốt về hệ thống trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

Để các vùng rau an toàn ngày càng mở rộng, cần có sự đầu tư của nhà nước về xây dựng hạ tầng, hỗ trợ đầu ra trong lưu thông sản phẩm; xây dựng qui trình sản xuất rau an toàn cho từng loại cụ thể, phù hợp với điều kiện từng địa phương. Đối với việc tìm đầu ra cho rau an toàn, cần có sự chủ động hình thành các mối liên kết ổn định giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau với các HTX và nông dân vùng sản xuất rau an toàn tập trung; phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ... để từ đó xây dựng chỗ đứng vững chắc cho rau an toàn trên thị trường.

 

Ý kiến của những người trong cuộc

1. Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng chi cục BVTV tỉnh: "Đầu tư xây dựng chợ đầu mối tiêu thụ rau - củ - quả tại các điểm trung tâm"

Để đảm bảo việc phát triển sản xuất bền vững cho rau an toàn, trước hết phải xây dựng mô hình điểm để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán, cách nghĩ, cách làm của nông dân, sau đó tiến tới tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kĩ thuật, công nghệ sinh học, giống mới và công nghệ sau thu hoạch vào phát triển sản xuất rau an toàn công nghệ cao.

Ngành nông nghiệp sẽ đảm nhận chức năng chỉ đạo và kiểm soát tất cả các khâu trong quá trình sản xuất của người dân từ khi gieo hạt đến khi tiêu thụ, trong đó đặc biệt chú trọng công tác quản lý việc sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các ngành chức năng thực hiện xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, đầu tư xây dựng chợ đầu mối tiêu thụ nông sản (đặc biệt cho rau, củ, quả) tại điểm trung tâm, hay ít nhất cũng tại vùng ven thành phố; tổ chức hệ thống tiêu thụ và cung ứng rau an toàn trên địa bàn mỗi huyện, thị, thành để tạo sự thuận lợi trong tiếp cận rau an toàn cho người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng và các công ty kinh doanh cần liên kết tổ chức việc thu mua nông sản sạch, rau an toàn, đồng thời đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm rau an toàn nhằm tăng khả năng tiêu thụ ra các tỉnh, thành lân cận.

2. Ông Đào Nghĩa Nhuận - Chủ tịch Hội KHKT nông nghiệp Hà Tĩnh: "Thương hiệu và bảo vệ thương hiệu rau an toàn:Cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng"

Hiện nay, căn cứ vào thực tiễn sản xuất thì nhu cầu sử dụng rau củ quả trên địa bàn tỉnh ta là rất lớn. Tuy nhiên do chất lượng rau không đạt, trong đó chủ yếu là vấn đề lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm mà lượng rau xanh sản xuất ra vẫn thường bị ứ đọng.

Bên cạnh một số gia đình tự trồng rau để ăn, nhiều người tiêu dùng đã phải bất đắc dĩ cắt giảm bớt khẩu phần rau trong bữa ăn của mình. Còn đối với người sản xuất, công bằng mà nói không phải ai cũng muốn nhẫn tâm trồng rau có sử dụng các chế phẩm độc hại, nhưng họ vẫn phải làm vì một thực tế hiện nay, rau an toàn luôn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm rau không an toàn và trong đó thường nắm chắc phần thua, do không có một thương hiệu để thuyết phục người tiêu dùng.

Vì vậy, để rau an toàn có chỗ đứng vững chắc, đảm bảo bữa ăn an toàn cho người dân, trước tiên phải nghĩ đến việc khẳng định được thương hiệu và hình thành logo cho sản phẩm.

Theo đó, bên cạnh tuyên truyền, vận động, cần quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; đầu tư hỗ trợ tích cực về cơ sở hạ tầng và điều kiện thiết yếu bước đầu cho người sản xuất. Chú trọng công tác tổ chức sản xuất; ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã, đồng thời huy động tốt mô hình liên kết “4 nhà” trong quá trình tổ chức sản xuất.

Cần huy động sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp, công thương, truyền thông... trong quá trình phát triển sản xuất, hình thành thương hiệu và bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm.

3. Nhìn từ mô hình liên kết sản xuất rau an toàn giữa DN và nông dân ở xã Nghi Ân (thành phố Vinh - Nghệ An)

Vụ xuân 2013 là vụ đầu tiên thành phố Vinh xây dựng mô hình liên kết sản xuất rau giữa Công ty Phú Tứ với bà con nông dân xã Nghi Ân. Theo đó doanh nghiệp chịu trách nhiệm hỗ trợ bà con trồng rau 100 ngàn/m2 nhà lưới, 50% giá giống rau, kỹ thuật, hóa chất, phân bón; khi có sản phẩm sẽ thu mua cho bà con.

Để được doanh nghiệp thu mua sản phẩm, đòi hỏi người trồng rau Nghi Ân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn. Chi cục BVTV Thành phố sẽ phối hợp thực hiện việc kiểm nghiệm dư lượng hóa chất trên cây trước khi sản phẩm được thu mua và bán tại quầy hàng nông sản sạch của thành phố.

Hiện nay, xóm Kim Trung có 28 nhà lưới trồng rau với tổng diện tích trên 6.900m2, xóm Kim Bình có 17 hộ trồng rau cũng được đầu tư nhà lưới với tổng diện tích 4.600m2 để trồng rau an toàn. Toàn xã Nghi Ân, có gần 7 ha rau đang được xây dựng mô hình cánh đồng rau an toàn trong nhà lưới. Tiếp sức cho mô hình liên kết này, thành phố Vinh tạo điều kiện cho người trồng rau Nghi Ân vay gần 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của nhà nước.

Với thị trường tiêu thụ rộng lớn của tỉnh ta hiện nay, đặc biệt là sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài với lượng chuyên gia, kỹ sư, công nhân ở KKT Vũng Áng, mô hình liên kết ở xã Nghi Ân đang gợi mở hướng đi cho sự mở rộng một cách hiệu quả các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn.

 

TIẾN THÀNh
baohatinh.vn