Cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch: Khó qua khe cửa hẹp!

Cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch: Khó qua khe cửa hẹp!
QĐ 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 15-10-2010 và tiếp tục được sửa đổi bổ sung ở Quyết định 65/2011/QĐ-TTg vào ngày 2-12-2011 là chính sách tín dụng được người dân và DN kỳ vọng là đòn bẩy để cho việc giảm tổn thất sau thu hoạch trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Quyết định 63 với những quy định chặt chẽ về loại máy móc được hỗ trợ đã khiến cho con đường tiếp cận chính sách chỉ là khe cửa hẹp mà cả nông dân và DN đều khó lọt qua.

Chính sách tín dụng lớn

Theo QĐ 63 và 65, việc hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, lâm, thủy sản thông qua các NHTM được thực hiện dưới hai hình thức: cho vay hỗ trợ lãi suất và cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư phát triển.

Đối tượng được vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch là các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, gồm: Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân có địa chỉ cư trú hợp pháp và được UBND cấp xã xác nhận trực tiếp sản xuất và phục vụ sản xuất; các DN có ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân.

Mức cho vay tối đa để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước lên tới 100% giá trị hàng hóa. Khoản vay được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 2 năm đầu và từ năm thứ 3 trở đi được hỗ trợ 50% lãi suất vay.

Cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch: Khó qua khe cửa hẹp!

Các phương tiện cơ giới được mua theo chính sách từ Quyết định 63 phải có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%

Đối tượng được vay áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển (6,6%/năm) được áp dụng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn để mua máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch gồm thiết bị xay xát gạo có tỷ lệ thu hồi gạo nguyên cao (đến 70%); máy móc, thiết bị chế biến ướt cà phê, các thiết bị xử lý nâng cao phẩm cấp cà phê và các công trình xử lý nước thải kèm theo; máy tách vỏ cứng và xát vỏ lụa nhân điều; dây chuyền chế biến hồ tiêu chất lượng cao; thiết bị lọc màng bán thấm, chiếu xạ, tiệt trùng bằng hơi nước nóng đối với rau quả tươi, hệ thống sơ chế rau quả tại chợ đầu mối; các DN đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản (bao gồm cả kho lạnh trên tàu đánh bắt thủy sản), rau quả và kho tạm trữ cà phê.

QĐ 63 và 65 quy định, Bộ NN &PTNT có trách nhiệm công bố danh mục máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch có tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước trên 60% và các cơ sở sản xuất các loại máy móc, thiết bị thuộc danh mục nêu trên, làm cơ sở để các ngân hàng thực hiện cho vay.

Về đơn vị thực hiện việc cho vay vốn (có hỗ trợ lãi suất) đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch sẽ giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện.

Chính sách ra đời đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay và được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho nông dân và DN trong quá trình đầu tư các loại máy móc sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

Ông Trần Đức Thuận - Trưởng phòng Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối cho biết: Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp trung bình toàn quốc là 12-13%. Với tỉnh ta, dù chưa có khảo sát chính xác nhưng cón số đó chắc chắn lớn hơn do các điểm yếu về tập quán sản xuất lạc hậu, điều kiện thời tiết khắc nghiệt…

Trong khi tỉnh đang tập trung cao cho công tác cơ giới hóa sản xuất, nguồn vốn vay được hỗ trợ lãi suất sẽ là cơ hội cho người dân và doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng máy móc ở tất cả các khâu trước, trong và sau thu hoạch sản phẩm. Cao hơn nữa, người nông dân và các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển năng lực nghiên cứu, chế tạo, cung ứng máy móc, thiết bị về thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm v.v…

Giải ngân chậm

Mang nhiều kỳ vọng, nhưng kết quả thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng để đầu tư giảm tổn thất sau thu hoạch lại được triển khai hết sức chậm chạp không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh ta mà còn cả toàn quốc.

Bà Nguyễn Thị Diên- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng N0 & PTNT cho biết, nhiệm vụ cốt lõi: đồng hành với người nông dân khiến Agribank luôn tích cực nắm bắt các chương trình hỗ trợ lãi suất để thúc đẩy đầu tư tín dụng một cách hiệu quả.

Cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch: Khó qua khe cửa hẹp!

Phần lớn nông dân hiện nay vẫn chưa mặn mà với máy nội nên chần chừ khi đứng trước cơ hội được HTLS để mua máy với sự ràng buộc phải có tỷ lệ nội địa hóa cao

Bởi vậy, chính sách đầu tư tín dụng nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đã được đơn vị sớm triển khai dựa trên các quy định hướng dẫn của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn đầu tiên vấp phải là thiếu nguồn vốn dài hạn để cho vay theo QĐ 63. Ngân hàng TƯ yêu cầu đơn vị phải sử dụng nguồn vốn huy động dài hạn để đầu tư cho vay dài hạn, trong khi trên thực tế nguồn tiền tiết kiệm mà dân cư gửi vào hoàn toàn là vốn ngắn hạn.

Cho đến gần 1 năm sau, cuối quý 3/2011, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam mới hỗ trợ các chi nhánh nguồn trung hạn, trong đó, Hà Tĩnh được phân bổ 100 tỷ đồng để cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch.

Tuy nhiên, nguồn vốn 100 tỷ đồng- con số được coi là khá khiêm tốn so với nhu cầu này cũng không sử dụng hết. “Vướng lớn nhất ở đây là những quy định rất chặt về tỷ lệ nội dịa đối với loại máy được HTLS.

Theo quy định, các máy móc, thiết bị phải do các tổ chức, cá nhân sản xuất có giá trị sản xuất trong nước trên 60% và có nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật. Điều này thực sự là rào cản lớn không chỉ đối với khách hàng mà chính với ngân hàng.

Không phải cán bộ ngân hàng nào cũng am hiểu về cơ khí máy móc để thẩm định, máy đó có bao nhiêu phần trăm tỷ lệ nội địa hóa. Bên cạnh đó, nông dân cũng không mặn mà với việc mua máy có tỷ lệ nội địa hóa cao, vì chất lượng nhiều máy móc sản xuất trong nước còn hạn chế.”

Giám đốc Ngân hàng No & PTNT Cẩm Xuyên Nguyễn Khắc Bình cho biết. Cẩm Xuyên đang đẩy nhanh lộ trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và cũng là một trong những địa phương có dư nợ cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch lớn nhất trong tỉnh nhưng đến nay mới giải ngân được hơn 10 tỷ đồng cho 378 khách hàng vay.

Thực tế là nông dân hiện nay vẫn mặn mà với máy “ngoại” hơn máy “nội” nên không ít người chần chừ khi đứng trước cơ hội được HTLS rất lớn nhưng lại ràng buộc yêu cầu trên 60% máy móc, thiết bị nội địa.

Ông Nguyễn Liệu ở xóm 1 xã Ngọc Sơn (Thạch Hà) năm 2009 mua chiếc máy cày trị giá 26 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ lãi suất mua máy móc sản xuất nông nghiệp tại QĐ 497 của Thủ tướng Chính phủ. Máy chỉ sử dụng được 1 năm thì hỏng, phải đầu tư sửa chữa rất tốn kém khiến ông không tin tưởng máy trong nước sản xuất.

Bởi vậy, dù rất muốn tranh thủ cơ hội hỗ trợ lãi suất mới để mua chiếc máy gặt đập liên hợp nhưng ông vẫn chần chừ khi buộc phải lựa chọn máy nội. Đây cũng chính là lý do chủ yếu khiến cho nông dân xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) lựa chọn phương án: một số hộ cùng góp vốn mua cho được máy ngoại như ý muốn chứ không vay nguồn hỗ trợ lãi suất để mua máy nội.

2 năm gần đây, toàn xã trang bị 7 chiếc máy gặt đập liên hợp nhưng không có chiếc máy nào được đầu tư từ nguồn vốn vay theo QĐ 63.

Đến thời điểm cuối tháng 5-2012, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có Ngân hàng No & PTNT tham gia thực hiện cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch theo QĐ 63 và 65 với tổng dư nợ gần 48 tỷ đồng và 1.486 khách hàng được vay vốn.

 

Tiếng nói người trong cuộc

Ông Lê Văn Sửu, xóm 1, xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên):

"Nếu không có sự hỗ trợ, nông dân khó trang bị máy móc hiện đại"

Với phần lớn nông dân, việc trang bị những loại máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất thực sự là rất khó khăn. Như chiếc máy gặt đập liên hợp do 3 hộ gia đình chúng tôi mới mua phục vụ thu hoạch đông xuân, nếu không được vay vốn cũng không thể mua nổi.

Tổng giá trị chiếc máy lên đến 240 triệu, 3 gia đình nông dân dốc hết vốn cũng chỉ được 90 triệu, còn phải vay Ngân hàng Nông nghiệp Cẩm Xuyên tới 150 triệu. Thực ra, nếu không có nguồn vốn hỗ trợ đến 100% lãi suất 2 năm đầu và 50 % cho năm tiếp theo, chúng tôi cũng không dám đầu tư.

Số tiền bỏ ra quá lớn trong khi máy chỉ sử dụng được 2 dịp thu hoạch trong năm. Nếu phải trả lãi ngân hàng nữa thì chẳng biết đến bao giờ chúng tôi mới thu được vốn, chưa nói gì tới việc sinh lời. Mong Nhà nước tiếp tục có những chính sách đồng hành với nông dân bởi sản xuất nông nghiệp thường lợi nhuận thấp mà lại nhiều vất vả, lắm rủi ro.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Can Lộc

"Có những địa phương, nhu cầu vay mua máy móc đã bảo hòa"

Tại sao kết quả cho vay theo QĐ 63 khá khiêm tốn, nhìn ở một góc độ khác, có những địa phương nhu cầu vay vốn đối với các loại máy móc sản xuất thông thường đã bão hòa.

Từ năm năm 2009 đến năm 2011, Hà Tĩnh đã thực hiện rất hiệu quả gói kích cầu về hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp theo các quyết định: 497/QĐ-TTg (17/4/2009) và 2213 (31/12/2009) của Thủ tướng Chính phủ.

Ở Can Lộc, thời điểm đó, tranh thủ cơ hội, Ngân hàng và cấp ủy chính quyền các cấp đã phối hợp hỗ trợ cho nông dân mua hơn 800 chiếc máy làm đất, nâng tổng số loại máy thiết yếu này lên 1.300 chiếc, cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Tiếp đó, huyện có chương trình hỗ trợ từ vốn ngân sách của huyện và xã cho nông dân mua máy gặt đập liên hợp với số tiền 50 triệu đồng/ máy và không ràng buộc quy định về loại máy trong hay nước ngoài sản xuất. So với chương trình hỗ trợ tín dụng thì chương trình hỗ trợ của huyện có sức hấp dẫn lớn hơn. Hiện nay, toàn huyện có 30 chiếc máy gặt đập liên hợp, trong đó, chỉ có 4 chiếc vay vốn HTLS.

Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh

"HTLS theo QĐ 26 của UBND tỉnh sẽ mở rộng hơn cơ hội vay vốn mua máy móc nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch"

Từ những vướng mắc trong thực tế cho vay theo QĐ 63 của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh đưa nội dung HTLS mua máy móc sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch vào Quyết định 26/2012/QĐ-UBND tỉnh “về HTLS vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”. QĐ 26 có hiệu lực từ ngày 21-7-2012.

Theo đó, tỉnh sẽ HTLS cho khách hàng vay vốn để đầu tư các thiết bị trực tiếp sản xuất và phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nhưng không ràng buộc về nhãn hàng hóa và giá trị sản xuất trong nước như ở QĐ 63.

Với việc “mở chốt” về quy định tỷ lệ nội địa hóa, hi vọng sẽ có nhiều nông dân và DN được tiếp cận với nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất khá lớn này để đẩy nhanh việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, góp phần giúp các địa phương bước nhanh trên lộ trình xây dựng NTM.

Bà Nguyễn Thị Diên - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng No & PTNT tỉnh:

"Ngân hàng sẽ cố gắng huy động nguồn vốn dài hạn để cho vay"

Trong hoạt động tín dụng, việc tìm kiếm nguồn vốn cho vay dài hạn luôn là khó khăn lớn của tất cả các ngân hàng.

Với Ngân hàng Nông nghiệp cũng vậy, huy động từ dân cư chiếm tới 85% tổng nguồn vốn huy động, trong khi người dân thường lựa chọn kỳ hạn ngắn để gửi tiết kiệm. Bởi vậy, khi việc cho vay mua máy móc để giảm tổn thất sau thu hoạch có cơ hội được mở rộng, Ngân hàng Nông nghiệp đã bắt đầu phải tính bài toán tìm nguồn dài hạn để cho vay.

Chúng tôi sẽ cố gắng tập trung cho nhiệm vụ này bằng nhiều giải pháp phù hợp, đặc biệt sẽ sớm trình TƯ để xin hỗ trợ về nguồn cho Hà Tĩnh, tạo điều kiện cho nhiều nông dân được tiếp cận nguồn vốn được HTLS.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, để tránh việc đầu tư máy móc ồ ạt khi có chính sách hỗ trợ, vấn đề cốt lõi là chính quyền các cấp cần có sự chỉ đạo, định hướng đúng về mức độ phát triển các loại máy móc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn một cách phù hợp và bà con hơn ai hết phải tính toán được tính khả thi của dự án dựa trên nhu cầu thực tiễn để nông dân và ngân hàng cũng đồng hành một cách an toàn, hiệu quả.

Theo Baohatinh