Chủ động phòng chống dịch cúm A (H7N9)

Chủ động phòng chống dịch cúm A (H7N9)
Dịch cúm A (H7N9) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và có nhiều nguy cơ lây lan sang Việt Nam. Đây là chủng vi-rút cúm có độc lực cao. PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh xung quanh kế hoạch công tác phòng chống cúm A (H7N9) tại Hà Tĩnh.

PV: Cúm A (H7N9) là chủng cúm có độc lực mạnh và gây tỷ lệ tử vong cao, xin ông cho biết tình hình dịch đang diễn biến như thế nào?

Chủ động phòng chống dịch cúm A (H7N9)
Ảnh minh họa (Báo Hải quan)

Ông Nguyễn Lương Tâm: Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch cúm A (H7N9) tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng cao trở lại. Riêng trong 16 ngày đầu tháng 1/2014 đã ghi nhận 31 trường hợp mắc mới. Tích lũy từ tháng 3/2013 đến nay, Trung Quốc ghi nhận 181 trường hợp mắc cúm A (H7N9), trong đó có 52 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 30%. Phần lớn các trường hợp mắc đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Số lượng các trường hợp mắc cúm A (H7N9) tăng liên tiếp trong những tuần gần đây. Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Đông, tỉnh gần với Việt Nam, nơi có giao lưu thương mại, hành khách qua lại đã có 7 trường hợp tử vong. Để đối phó với dịch cúm A (H7N9), chính quyền một số tỉnh, thành phố tại Trung Quốc đã đóng cửa tạm thời chợ buôn bán gia cầm sống, tiêu hủy gia cầm và tổ chức tiêu độc khử trùng nơi có gia cầm nhiễm vi-rút cúm A (H7N9).

Tại Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do cúm A (H7N9), nhưng căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng rất cao nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Bệnh cúm A (H7N9) do nhiễm chủng vi-rút cúm A (H7N9) có nguồn gốc từ gia cầm, thủy cầm. Nguồn lây bệnh chưa được xác định rõ ràng, chưa xác định được các yếu tố dịch tễ liên quan giữa các trường hợp mắc bệnh. Đặc tính của vi-rút cúm A là thường xuyên biến đổi có thể thành chủng mới dễ lây truyền sang người. Lịch sử trên thế giới đã ghi nhận các dịch cúm A (H7N9) với nhiều trường hợp mắc và tử vong ở người.

PV: Hà Tĩnh đã triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A (H7N9) như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Lương Tâm: Hà Tĩnh đã xây dựng và từng bước triển khai kế hoạch phòng, chống cúm A (H7N9) với các tình huống cụ thể.

Tình huống 1, khi chưa có trường hợp bệnh trên người. Các hoạt động tập trung bao gồm: tăng cường hoạt động của BCĐ phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi các cấp từ tỉnh đến xã, phường và xây dựng kế hoạch phòng chống dịch các cấp, chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương; chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, sinh phẩm y tế để lấy mẫu xét nghiệm chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chẩn đoán xác định vi-rút cúm A (H7N9); thực hiện việc kiểm tra, sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa; chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng huyện tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân; thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu và khu vực biên giới; phối hợp các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị, hạn chế tử vong; tuân thủ các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch; hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế, sử dụng các thuốc kháng vi-rút phù hợp, hiệu quả; triển khai các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch tại cộng đồng; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để người dân không hoang mang, lo lắng, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh…

Hiện Hà Tĩnh chủ yếu đang tập trung các hoạt động cho tình huống 1. Tuy nhiên, các tình huống kế tiếp, bao gồm: các trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người; phát hiện trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ và tình huống dịch bùng phát ra cộng đồng. Tất cả đều được xây dựng kế hoạch và sẵn sàng, chủ động ứng phó theo từng cấp độ.

Mục tiêu cụ thể mà chúng ta hướng tới là phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm A (H7N9) đầu tiên xâm nhập vào Hà Tĩnh hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng; khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch từ động vật sang người hoặc từ người sang người; giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống của người dân.

Nhân đây, tôi cũng muốn gửi tới mọi người dân thông điệp của ngành Y tế: Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh cúm A (H7N9), chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu hiện nay là thực hiện vệ sinh cá nhân, ATVSTP, kiểm soát buôn bán, giết mổ gia cầm và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.

THỤC CHI

(Thực hiện)
Theo baohatinh.vn