Chủ động phương án ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu
- Thứ tư - 21/05/2014 20:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
- Đầu năm 2014, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm trên biển Đông. Hình thái thời tiết, thiên tai, bão lũ năm nay có nhiều lo ngại không, thưa ông?
Tuy xuất hiện sớm nhưng năm nay, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), tức khoảng 9-10 cơn bão, mức độ ảnh hưởng đến đất liền cũng thấp hơn so với TBNN (tức khoảng 4-5 cơn bão). Lượng mưa dự báo thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ, riêng khu vực các tỉnh Trung bộ từ tháng 5 đến tháng 8, dự báo thấp hơn so với TBNN nên tình trạng thiếu nước, khô hạn sẽ diễn ra. Đỉnh lũ trên các sông khu vực Bắc Trung bộ có khả năng báo động 1 đến báo động 2, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; thời gian xuất hiện lũ vào tháng 9 đến tháng 10 nên cần đề phòng có lũ quét.
Thời tiết, thủy văn khu vực Bắc Trung bộ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng trong năm 2014 vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lũ quét, sạt lở đất |
Những hình thái trên cho thấy, thời tiết, thủy văn khu vực Bắc Trung bộ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ nên cần chủ động đề phòng bão mạnh có hướng di chuyển phức tạp; mưa lớn trong thời đoạn ngắn gây lũ quét, sạt lở đất đối với các khu vực miền núi; tình hình khô hạn và xâm nhập mặn tại khu vực cửa sông, vùng ven biển.
- Từ ngày 1/5/2014, Luật Phòng, chống thiên tai có hiệu lực. Xin ông cho biết một số nét cơ bản của luật để đảm bảo công tác PCLB-GNTT ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn?
Luật Phòng, chống thiên tai nêu cụ thể về nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên tai. Trước hết, đó là trách nhiệm chung của Nhà nước, xã hội, tổ chức và cá nhân, trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức, cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau, thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” và được lồng ghép trong quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.
Thứ hai, luật xác định rõ chính sách đồng bộ về đầu tư, huy động nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện; đào tạo, giáo dục, huấn luyện, tuyên truyền để nâng cao năng lực cộng đồng và người dân trong việc tuân thủ pháp luật và tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai.
Thứ ba là quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phòng, chống thiên tai được xác định rõ, từ đó để các đối tượng chủ động tiếp cận thông tin, tham gia xây dựng kế hoạch, tham gia chương trình truyền thông; được hoàn trả vật tư, phương tiện; nhận tiền công lao động tham gia ứng phó khẩn cấp thiên tai khi có lệnh huy động của người có thẩm quyền; được hưởng các chế độ, chính sách và ưu đãi như đối với thương binh, liệt sỹ, người có công khi tham gia ứng phó với thiên tai nếu bị thương; được cứu trợ, hỗ trợ khi bị thiệt hại theo quy định của pháp luật…
- “Có thực mới vực được đạo”. Luật Phòng, chống thiên tai quy định rõ nguồn tài chính cho hoạt động này được hình thành từ ngân sách nhà nước, quỹ phòng, chống thiên tai và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân. Xin ông cho biết cơ cấu nguồn và thực tế huy động trong thời gian qua ở Hà Tĩnh?
Thời gian qua, ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai tương đối lớn, chủ yếu là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khắc phục hậu quả sau thiên tai; quỹ phòng, chống thiên tai thì các địa phương đã triển khai thu theo quy định nhưng chỉ đủ để trang trải cho các hoạt động tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, tập huấn...; nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân còn chưa đáng kể.
Để công tác phòng, chống thiên tai có hiệu quả thì nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước là rất quan trọng, phải đưa vào chương trình hàng năm, phải thực hiện có lộ trình đối với việc đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phòng, chống thiên tai; đồng thời phải tiếp tục tranh thủ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và tăng mức đóng góp theo quy định của các đối tượng quỹ phòng, chống thiên tai.
- Xin cảm ơn ông!
HẢI XUÂN
BAOHATINH.VN