Chuyển dịch mạnh cơ cấu mùa vụ - Sứ mệnh của sản xuất vụ xuân 2013

Chuyển dịch mạnh cơ cấu mùa vụ - Sứ mệnh của sản xuất vụ xuân 2013
Những chuyển biến thất thường của thời tiết đã khiến chính quyền và ngành nông nghiệp không thể khoanh tay đứng nhìn. Cùng với cách tân về bộ giống và hình thức canh tác, tiếp tục chuyển dịch mạnh về cơ cấu mùa vụ được xem là “món võ” sứ mệnh trong vụ xuân 2013 để chuẩn bị cho sự chuyển đổi mang tính cách mạng cho nền nông nghiệp hàng hóa, bền vững và tăng chuỗi giá trị.

Tăng tối đa diện tích xuân muộn

Khởi phát từ mấy năm trước nhưng phải đến vụ đông xuân 2011 thì giống lúa ngắn ngày (thuộc trà xuân muộn) mới bắt đầu thể hiện nổi trội. Trận rét lịch sử trên 36 ngày đã khiến hàng nghìn ha lúa xuân sớm không có khả năng phục hồi, phản ứng tức thời về giống lúa ngắn ngày của tỉnh đã cứu nguy cho đồng ruộng và để lại nhiều bài học quý. Thay vì gần một nửa diện tích là trà xuân sớm như trước thì vụ đông xuân 2011- 2012 đã làm nên kỳ tích với gần 64% diện tích là trà xuân muộn và xuân sớm chỉ còn trên 8%. Và, Can Lộc là huyện đầu tiên ghi dấu sự thành công của chuyến “lội ngược dòng” nói không với IR 1820. Ông Bùi Huy Tam, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Để thực hiện thành công chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, Huyện ủy đã kịp thời ban hành nghị quyết, buộc chính quyền cơ sở phải vào cuộc ngay từ đầu. Bằng cách hỗ trợ 100% giống lúa mới thay thế IR1820 và ni lông che phủ mạ xuân muộn, vụ đông xuân 2011- 2012, chúng tôi đã trích ngân sách lên đến 4,8 tỷ đồng. Tất cả quy trình này được thực hiện nghiêm túc từ khâu chỉ đạo sản xuất, nghiệm thu đến kiểm điểm, xử lý cán bộ đảng viên tại cơ sở”. Tiếp theo sau đó là Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh đều có những bước chuyển mình vượt bậc trên đồng ruộng với xấp xỉ 50% là trà xuân muộn.

Chuyển dịch mạnhcơ cấu mùa vụ - Sứ mệnh của sản xuất vụ xuân 2013:
Giống lúa RVT được đánh giá cao trong vụ đông xuân 2011- 2012

Nối dài bước chạy đà trong chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đề án sản xuất vụ xuân 2013 đã được ban hành sau cả quá trình thai nghén. Không chỉ là hạn chế như vài năm trước, Hà Tĩnh chính thức bài trừ trà xuân sớm ra khỏi cơ cấu sản xuất sau hơn 30 năm “bám rễ”. Theo đó, tỉnh chỉ đạo tăng tối đa diện tích trà xuân muộn lên 70% và xuân trung 30%. Và lẽ đương nhiên, bộ giống chủ lực một lần nữa làm định hướng cơ bản cho cơ cấu, đó là những giống ngắn ngày: RVT, VTNA2, HT1, N98; TH3-3, Nhị ưu 838, syn6 cho nhóm xuân muộn; Xi23, NX30 và P6 thuộc nhóm xuân trung. Ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Với mục tiêu xóa bỏ xuân sớm, vụ xuân này huyện cơ cấu 83%- 85% diện tích là xuân muộn, còn lại là xuân trung. Hiện nay, chúng tôi đã bắt đầu lập danh sách đăng ký để lấy giống kịp thời phục vụ bà con. Cùng với các chính sách đi kèm, chúng tôi tăng cường công tác quản lý về giống, nghiêm cấm việc lưu hành, buôn bán giống IR 1820 trên địa bàn”. Còn riêng với Can Lộc, luôn thể hiện vai trò tiên phong của mình khi huyện chủ trương sẽ tiến thêm một bước trong việc tạo đột phá trong sản xuất khi chuyển đổi gần 6.000 ha xuân trung sang xuân muộn. Có nghĩa, từ vụ xuân này đồng đất Can Lộc chỉ còn duy nhất một trà lúa- xuân muộn. Đây chính là cách để hình thành những vùng sản xuất lúa lớn, tạo sự đồng nhất về giống, quy trình kỹ thuật và thời vụ trên cùng một cánh đồng.

Mở rộng CĐML và sản xuất hàng hóa

Một vài tài liệu đã khẳng định, mặc dù nhu cầu về chất lượng gạo ngon của thị hiếu hiện nay là rất lớn nhưng nguồn cung trực tiếp tại địa phương lại khá èo uột khi chỉ đáp ứng không quá 10%. Trong khi đó, vẫn tồn tại những câu chuyện lúa sản xuất ra không bán được, tồn đọng mấy vụ liền khiến người nông dân “dư khổ dư cực”. Điều quan trọng, cung và cầu về sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh ta chưa có sự tương giao. Người mua “cắn răng” chịu giá cao để mua gạo nhập khẩu còn người bán lại cố hữu với tập quán canh tác xưa cũ. Với mục tiêu tăng chuỗi giá trị trên đơn vị diện tích, gắn sản xuất với đề án nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương mở rộng các loại giống ngắn ngày, chất lượng, năng suất và cho hiệu quả kinh tế cao theo hướng liên kết hay còn gọi là cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Ngoài một số giống có tiềm lực như HT1, Xi23, N98 thì vụ xuân này tiếp tục là sân nhà của dòng giống chất lượng VTNA2, RVT…

Chuyển dịch mạnhcơ cấu mùa vụ - Sứ mệnh của sản xuất vụ xuân 2013:
Mô hình liên kết giống lúa VTNA2 với doanh nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao

Có thể nói, điển hình CĐML giống lúa VTNA2 ở Cẩm Bình (Cẩm Xuyên); RVT ở Đức Thọ tại vụ hè thu 2012 đã tạo ra tâm thế khá vững vàng cho các địa phương trong vụ xuân tới. Vượt xa con số 10 CĐM của vụ đông xuân 2011- 2012, năm nay mỗi huyện đều xây dựng ít nhất 2-5 CĐML với diện tích lên đến hàng nghìn ha. Thậm chí, có những địa phương không ngần ngại xây dựng mỗi xã 1 CĐM có quy mô từ 5 ha trở lên. Mừng vì tư duy sản xuất của nông dân đã đổi mới, bắt nhịp với xu thế phát triển nhưng hơn hết thảy chính là sự nhập cuộc của doanh nghiệp thể hiện rõ nét hơn. Ông Trương Văn Hiền, TGĐ Tổng công ty CP VTNN Nghệ An cho biết: “Mô hình sản xuất tập trung là nơi doanh nghiệp và nông dân hợp tác sản xuất theo hợp đồng ràng buộc với mục đích hai bên cùng có lợi. Người nông dân tập trung sản xuất thành những cánh đồng lớn, còn doanh nghiệp có nhiệm vụ lo các khâu còn lại: từ cung cấp giống với giá ổn định, hướng dẫn kỹ thuật canh tác để bảo đảm chất lượng, phục vụ sau thu hoạch và bao tiêu sản phẩm theo giá thỏa thuận. Về phía công ty, chúng tôi cam đoan sẽ liên kết xây dựng CĐML giống lúa VTNA2 cho khoảng 10% số xã trên địa bàn tỉnh với quy mô theo thỏa thuận”. Khi doanh nghiệp là người cầm trịch thì không chỉ chất lượng sản phẩm sẽ được đảm bảo mà còn tăng chuỗi giá trị cho cây trồng chính. Không chỉ lúa, CĐML về rau, củ, quả; cây ăn quả cũng được khai thác triệt để trong vụ xuân năm nay. Đặc biệt là các huyện phía Tây như: Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Sơn, kinh tế vườn đồi, gia trại và trang trại đang thể hiện những bước đi vững chãi trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp.

Cũng phải nói thêm rằng, không phải cứ phát triển nhanh về cơ học đều mang tầm vĩ mô. Điều đáng nói, quy mô đó phải phù hợp với thị trường nông nghiệp để tránh những tổn thương không đáng có cho cả doanh nghiệp và nông dân. Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ mạnh để có khả năng bao tiêu với số lượng lớn, đấy là chưa kể xung đột lợi ích giữa những nhà đầu tư ngắn hạn, muốn kiếm lời nhanh trong khi mô hình đòi hỏi đầu tư lâu dài khiến việc thực hiện càng khó khăn. CĐML thành công hay không chính là ở mối quan hệ doanh nghiệp- nông dân dân có bền chặt để nhằm tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đứng vững trên thị trường.

NGUYỄN OANH
baohatinh.vn