Chuyển đổi mô hình quản lý chợ: Chưa đạt mục tiêu xã hội hóa

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều vấn đề, nhất là tỷ lệ chuyển đổi theo hình thức xã hội hóa còn khiêm tốn. Nhiều chợ mới chỉ dừng lại ở việc chuyển giao hình thức quản lý.
Chợ Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà đang được đầu tư xây dựng - một trong số ít chợ được chuyển đổi theo hình thức xã hội hóa đầu tư và chuyển giao tài sản cho hợp tác xã.

Chợ Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà - một trong số ít chợ hạng III được chuyển đổi theo hình thức xã hội hóa đầu tư và chuyển giao tài sản cho hợp tác xã. Hình thức chuyển đổi này vừa giảm gánh nặng ngân sách, vừa giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hợp tác xã trong quản lý, vận hành và khai thác.

Sau chuyển đổi, chợ đang được đầu tư xây mới với một diện mạo khang trang, được kỳ vọng không chỉ tạo điểm nhấn về kiến trúc, mà còn hình thành một trung tâm thương mại ở khu vực nông thôn.

chỉ có 29 chợ chuyển đổi mô hình quản lý gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản

 

Trong số 110 chợ đã chuyển đổi, chỉ có 29 chợ chuyển đổi mô hình quản lý gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản, chiếm hơn 26%. Khiêm tốn hơn, số chợ chuyển đổi bằng hình thức xã hội hóa đầu tư mới được 11 chợ. Điều này đồng nghĩa, rất nhiều chợ dù đã chuyển đổi, nhưng tài sản vẫn thuộc chính quyền địa phương, và mọi hoạt động của chợ vẫn lệ thuộc vào ngân sách.

Trong số các chợ đã chuyển đổi, có đến 96% chuyển đổi theo hình thức giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý và hơn 75% không gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản. Đặc biệt là ở những nơi không có lợi thế giao thương, do không thu hút được nhà đầu tư, một số số chợ đã buộc phải chuyển đổi theo phương án giao cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sẵn có trên địa bàn tiếp quản. Điều này, khiến cho việc chuyển đổi ở nhiều chợ, mới chỉ dừng lại ở khâu chuyển giao mô hình quản lý, còn hoạt động kinh doanh khai thác thì chưa có nhiều thay đổi.

Việc chuyển đổi ở nhiều chợ, mới chỉ dừng lại ở khâu chuyển giao mô hình quản lý, còn hoạt động kinh doanh khai thác thì chưa có nhiều thay đổi.

 

Thực tế cho thấy công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ngoài mô hình quản lý mới, gắn với chuyển quyền sử hữu ở 11 chợ thì vẫn còn một số chợ vẫn chưa thực hiện được mục tiêu đặt ra là: Tăng cường xã hội hóa thu hút đầu tư nâng cấp hệ thống chợ, đảm bảo an toàn vệ sinh và phòng chống cháy nổ, phát huy hiệu quả kinh tế từ chợ./.

Nguyễn Hằng
http://www.hatinhtv.vn